Chuyện những người đi thắp lửa yêu thương
Cũng đã 13 năm kể từ ngày thành lập NHCSXH. Còn nếu tính tiền thân từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo thì đã hơn 20 năm, những cán bộ, viên chức và người lao động như chị Hạnh đã trở thành những nhân tố điển hình tạo động lực phấn đấu trong lớp lớp những cán bộ, viên chức NHCSXH. Họ cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương bằng những đồng vốn chính sách thổi bùng lên no ấm trong những nếp nhà ở mọi miền khó khăn của Tổ quốc…
Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, các chính sách tín dụng đã dần mở ra, đi vào ngóc ngách những khó khăn thiếu thốn của những người dân nghèo, đối tượng chính sách. Và, cũng trong cái tâm thế giúp người nghèo không tái nghèo trở lại, thoát nghèo bền vững, lớp lớp cán bộ, viên chức NHCSXH đã kịp thời nghiên cứu và đề xuất những mô hình tín dụng hỗ trợ mới như cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và khơi gợi sự vào cuộc rộng khắp của Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.
Vẫn còn như mới, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho việc đưa Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện hồi đầu năm 2015. Trước đó là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Đảng với Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Song cái sự tươi mới của chính sách ấy cũng đã kịp thấm sâu và chảy tràn trên bản đồ tín dụng của NHCSXH cùng với việc tăng cường và phát huy hiệu quả của gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn và mạng lưới gần 11 nghìn Điểm giao dịch xã, phường. 20 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH với tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tính đến mùa xuân này đạt 142.528 tỷ đồng, cho thấy sự tăng mạnh cả về dòng chảy và vòng quay vốn của NHCSXH.
9 cây mận Tam Hoa trước nhà Lâm Văn Hương ở thôn La Hối Tày, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã bật hoa trắng xóa để đón tết nhưng lòng anh Hương thấy thơi thơi. Đây không chỉ là năm đầu tiên bước ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn sau hơn một thập kỷ, mà quan trọng hơn, giấc mơ an cư của anh đã được hiện thực. Căn nhà mới rộng rãi khang trang cả trăm triệu đồng vừa cất xong thay cho căn nhà cũ ọp ẹp chắp vá dựng lên cũng gần bằng tuổi thằng con trai đầu sinh năm 1999. Giấc mơ thoát nghèo của anh được gom góp xây lên từ việc cán bộ NHCSXH đến vận động gia đình vay vốn đầu tư chăn nuôi tăng gia sản xuất. Và nay khi đã bước qua cái nghèo NHCSXH lại tiếp tục giúp anh có thêm nguồn vốn mua con ngựa cái vừa để có sức kéo vừa trông ngóng một ngày không xa sẽ có thêm chú ngựa con, cùng đàn lợn hơn chục con. Vết tích của ngôi nhà cũ giờ chỉ còn là những tấm tôn xi măng thủng lỗ chỗ như bàn tay do trận mưa đá năm 2013 anh giữ lại để nhớ lại một thời khó khăn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Với Cáo Sín Thành - Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Khoán Púng, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), dòng vốn chính sách không chỉ giúp anh thoát qua cái nghèo. Cuộc sống ấm no dần lên là điều kiện để Thành nhìn ra xung quanh giúp bà con lối xóm. Thấm cái cảnh nhọc nhằn của những người nông dân quê đến mùa có chút dư dả mang bán lại bị thương lái ép giá, Thành bàn với vợ đầu tư tổ chức điểm thu mua nông sản cho bà con trong thôn, với giá hợp lý.
Anh Hoàng Seo Trang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Mế vẫn nhắc câu chuyện tình nghĩa của Cáo Sin Thành với gia đình ông Vàng Thông Chấn. Những năm qua, anh Thành đã giúp ông Vàng Thông Chấn ở thôn Cốc Cù 2 con trâu để có sức cày kéo. Vào khi giáp hạt, anh lại giúp hàng chục hộ dân trong thôn, trong xã thóc, ngô để không rơi vào cảnh đói, cho họ mua giống, phân bón phục vụ sản xuất không tính lãi. Hàng năm với sự tận tâm giúp đỡ của Thành thôn có từ 2 - 3 hộ thoát nghèo.
Cái hiệu ứng lan tỏa của dòng vốn chính sách càng thấm với Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phước Sơn (Quảng Nam) khi đứng trên cả hai cương vị xây dựng và thực thi chính sách. Là một trong 64 huyện nghèo nhất nước, Phước Sơn không chỉ có điều kiện tự nhiên và khí hậu vô cùng khắc nghiệt lại thêm 70% dân số toàn huyện là đồng bào DTTS của 15 tộc người. Vì vậy dòng vốn ưu đãi của Chính phủ được “xem là công cụ tài chính hữu hiệu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Đồng vốn đã trải đều khắp tại 66 thôn, khối phố trên địa bàn huyện với hơn 4.477 hộ vay, chiếm 71,3% số hộ dân được vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH trong 5 năm qua, đã giúp cho 759 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 72,68% năm 2010 xuống còn 48,94% năm 2014.
Cứ như thế, dòng chảy của đồng vốn ưu đãi liên tục chảy và lan tỏa trong đời sống của từng đối tượng thụ hưởng. Tính đến mùa xuân này, còn 6,9 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ với NHCSXH. Để rồi đi suốt 5 năm kế hoạch 2010 - 2015, nhìn lại cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm từ 11,76% xuống còn khoảng 5%. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là đối với các địa bàn của huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào DTTS tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước quen dần với cơ chế thị trường, không trông chờ ỷ lại vào sự cấp phát của Nhà nước.
Nhiều lời ngợi khen với các hoạt động tín dụng chính sách tại các địa phương, từ chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể đến người dân. Càng những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn càng thấy rõ và thấy thấm hiệu quả của dòng vốn chính sách. Để rồi sau đợt giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng xã hội tại một số tỉnh cuối năm 2013, trong bản báo cáo trình Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2014, Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội kết luận: “Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những “Điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…”.
“Hàng ngày sau thời gian làm việc, tôi vẫn thường suy nghĩ lại ngày hôm nay mình đã làm được những việc gì tốt cho đơn vị, cho hộ nghèo và cho cả những đối tượng chính sách? Ngày mai mình cần phải làm những việc gì?” Đó không chỉ là tiếng lòng của riêng Y Sếp Niê - Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) mà là tâm tư từ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc cho đến từng cán bộ, viên chức NHCSXH, nhất là trong bối cảnh tốc độ giảm nghèo đã giảm nhanh nhưng tính bền vững vẫn còn là một thách thức. Công cuộc giảm nghèo sẽ thêm phức tạp và cam go khi các tiêu chí giảm nghèo giờ không chỉ là ăn no mà còn hàng loạt các tiêu chí mới mà Chính phủ vừa ban hành trong chuẩn nghèo mới. Cùng với đó là kỳ vọng đến năm 2020 sẽ có trên 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Áp lực xóa nghèo bền vững tăng thêm khi các hiệp định FTA thế hệ mới đã và đang ngày càng lan tỏa vào trong đời sống. Song hành những thuận lợi, người dân có cơ hội tham gia chuỗi giá trị gia tăng cao hơn là muôn hình vạn trạng những thách thức mới. Đó là sự ồ ạt tràn vào của nông sản nước ngoài với sức cạnh tranh mạnh, mà nếu không có những bước chuẩn bị thích ứng có thể triệt tiêu nhiều ngành chăn nuôi, trồng cây vốn đang là điểm tựa thoát nghèo cho người dân.
Những nỗ lực của NHCSXH vì thế không chỉ là ăn no, mặc ấm mà như Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình từng phát biểu “Đã đến lúc chúng ta phải làm cho người nông dân nghèo của chúng ta có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của mình”. Với tinh thần đó bên cạnh việc thực hiện đúng và đủ các chương trình tín dụng chính sách, từng cán bộ, lãnh đạo NHCSXH đang từng ngày, từng giờ nghiên cứu trình các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ hoàn chỉnh các cơ chế chính sách trong hoạt động tín dụng của ngân hàng để phục vụ tốt cho các mục tiêu Quốc gia của đất nước”.
Bài hát “Em đi làm tín dụng” mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được viết cách đây 50 năm, vừa rồi - đúng dịp 13 năm thành lập NHCSXH (04/10/2002 - 04/10/2015), nhạc sĩ có vài lời lưu bút tặng các thế hệ NHCSXH sẽ còn là bản trường ca, bài hát truyền thống của NHCSXH trong nhiều năm nữa. Bởi những con đường thoát nghèo, phát triển kinh tế càng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của những người dân chỉ có thể mở rộng với dòng vốn chính sách và sự tận tâm của từng cán bộ, viên chức trong ngành. 50 năm qua, nó đã từng chảy trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý:
… Ơ… sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường
… làm tín dụng, em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ, nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô…
Minh Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Xuân ấm no của người nghèo
- » Kiến tạo sức bền cho nông thôn mới
- » TRỌN VẸN 20 MÙA XUÂN VỚI NGƯỜI NGHÈO
- » Kết hợp giải ngân vốn và hướng dẫn nông dân cách làm ăn
- » Chuẩn nghèo đa chiều sẽ hỗ trợ tốt hơn trong triển khai tín dụng ưu đãi
- » Tiết kiệm để Xuân về, Tết đến được vui hơn
- » ĐÃ THẤY XUÂN VỀ TRONG GIÓ ĐÔNG
- » Sắc xuân ở vùng quê giữa Đồng Tháp Mười
- » Tam Đảo nỗ lực giảm nghèo