Chuyện về những người lính ở Kon Tum diệt “giặc nghèo”
Diệt xong giặc ngoại xâm rồi phải diệt “giặc nghèo”
Chúng tôi đến thôn 2, xã Đắk Mar vào một buổi sáng đẹp trời thấy những ngôi nhà của các hộ dân cửa đóng then cài. Cán bộ thôn giải thích: “Giờ này bà con đi làm hết, chẳng có ai ở nhà. Từ ngày có NHCSXH, người dân ở đây nhà nào cũng có rẫy, có ruộng nên ít khi ban ngày thấy người lớn ở nhà uống rượu như ngày xưa nữa”.
Chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà gọi là khang trang so với vùng nông thôn miền núi, người đàn ông có nước da rám nắng, giọng nói sang sảng đúng chất lính. Đó là CCB Trần Công Thạng ngụ ở thôn 2, xã Đắk Mar. CCB Thạng kể cho chúng tôi nghe về cách mà ông vượt qua cái nghèo: “Sau 9 năm chiến đấu và làm việc ở chiến trường miền Tây, ông trở về vùng quê nghèo đồng bằng Bắc bộ - Hải Dương. Nhưng rồi những năm tháng sau đổi mới, cuộc sống ở quê vẫn bị cái nghèo bám lấy. Năm 1984, Nhà nước có chính sách khuyến khích vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Ngày ấy, quê tôi nói đến Tây Nguyên là cái gì xa xôi và xa lạ lắm. Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi nghĩ mình là đảng viên, không đi thì ai dám đi”.
Những ngày mới bắt đầu bước chân vào Tây Nguyên, bị sốt rét rừng hành hạ, nhìn vợ con chống chọi với bệnh tật, với khí hậu… mà ông thấy như thắt từng khúc ruột. Ông bảo: “Lắm lúc muốn quay về lại làng quê đói no cũng còn có bố mẹ, anh em. Nhưng rồi mình lại nghĩ giặc ngoại xâm còn diệt được thì giặc nghèo chả lẽ lại đầu hàng. Vậy là tôi xoay xở đủ thứ chỉ mong sao cho vợ con bớt khổ”. Trời không phụ lòng người. Sau nhiều năm cố gắng ông cũng đã mua được vài héc ta đất để canh tác. Tuy nhiên, vì không có tiền đầu tư nên cuộc sống vẫn không có gì khởi sắc. Trước năm 2012, kinh tế của gia đình ông Thạng thuộc dạng bấp bênh vì không có tiền đầu tư phát triển. Rồi ông mạo hiểm khi đi vay lãi suất bên ngoài về đầu tư mô hình VAC. Nhưng ngặt nỗi, lãi suất “nóng” bên ngoài cao quá, làm không đủ trả lãi nên cái nghèo vẫn cứ bủa vây.
Nhờ Hội CCB xã giới thiệu và hướng dẫn, năm 2012 CCB Thạng được tiếp xúc với nguồn vốn vay của NHCSXH. Có vốn, ông Thạng mới mạnh dạn đầu tư, chăm sóc đồng bộ mô hình kinh tế của mình. Theo ông, từ quá trình đi làm thuê và quá trình lao động mưu sinh của mình cộng với sự học hỏi từ các mô hình VAC qua sách vở, truyền hình, ông đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất kinh tế. Chính vì vậy, khi có vốn vay ưu đãi, ông đã mạnh dạn đầu tư một cách hiệu quả.
Cán bộ ngân hàng là bạn
Thấy được tác dụng của đồng vốn chính sách, CCB Thạng tiếp tục vay nhiều đợt. Trả hết đợt này ông lại tiếp tục vay thêm đợt khác để đầu tư cho kịp vụ mới. Hiện tại, ngoài mô hình VAC, gia đình CCB Thạng có 1ha cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch, 1ha cà phê trồng mới nhờ vay vốn, 1ha cao su… Làm ăn có lãi, không những hoàn vốn cho ngân hàng mà ông còn đầu tư mua sắm các thiết bị phục vụ sản xuất như phân bón, cây, con giống… Năm 2014, ông xây dựng lại một căn nhà khang trang và mua sắm các tiện nghi sinh hoạt gia đình… Với những điều kiện sản xuất hiện tại, đời sống của gia đình ông Thạng đang được nâng cao. Nếu cứ phát triển thuận lợi, việc thu hoạch hàng trăm triệu đồng một năm là việc trong tầm tay.
Còn CCB Nguyễn Sự ở thôn 3, xã Đắk Mar, là một trong những hộ được vay vốn cho biết: “Ban đầu tôi cứ sợ vay vốn của ngân hàng khó lắm vì mình không có tài sản thế chấp gì. Thế nhưng, khi tôi đến xã đăng ký để vay thì được NHCSXH tạo điều kiện làm thủ tục, hồ sơ rồi còn cử cán bộ xuống tận nơi để giao dịch nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân”. Những điều trên không những giúp các gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, từng bước nâng cao mức sống cho người dân.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum Nguyễn Danh Thứ, cho biết: “Đối với nguồn vốn của ngân hàng, đơn vị luôn tập trung thu hồi các nguồn vốn cho vay đúng định kỳ. Bên cạnh đó, cán bộ trong toàn đơn vị thường xuyên xuống tận địa bàn hỗ trợ các Tổ tiết kiệm và vay vốn động viên bà con mạnh dạn vay vốn để làm kinh doanh. Ngoài việc hỗ trợ vốn, cán bộ ngân hàng còn giúp bà con sử dụng nguồn vốn cho có hiệu quả. Nhiều khi tư vấn cho bà con xong, bà con còn bảo “cán bộ ngân hàng làm nông giỏi hơn tụi mình rồi”. Giám đốc Thứ cho biết, điều trăn trở nhất đó là: “Làm lãnh đạo, nhìn đồng tiền nhàn rỗi mà bà con không có vốn sản xuất tôi xót lắm, vì vậy tôi luôn cố gắng chỉ đạo cán bộ huy động mọi nguồn vốn để tránh xảy ra trường hợp người dân có nhu cầu vay vốn mà không biết cách tiếp cận với ngân hàng”.
Bài và ảnh Nguyễn Luật - Uyên Thu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tuổi trẻ NHCSXH về nguồn tri ân các Anh hùng liệt sĩ
- » Sống khỏe bởi được dùng nước sạch
- » Mai Sơn chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- » Khi địa phương cùng vào cuộc
- » Những người lính trên mặt trận giảm nghèo
- » Cách làm để đồng bào Mông ở Kỳ Sơn thôi di cư tự do
- » Giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp
- » Đổi thay ở vùng đất đỏ Cư Suê
- » “Cần câu cơm” trị giá 30 triệu đồng
- » Động lực từ chương trình cho vay hộ cận nghèo