Giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp

20/07/2015
(VBSP News) Cẩn thận sắp xếp phụ tùng xe vừa mua từ Cà Mau về, quệt mồ hôi lăn dài trên má, Đặng Quốc Bảo chia sẻ: “Cực chút mà kinh tế gia đình ổn định. Nghề sửa xe không khó, nhưng muốn làm ăn được thì người thợ phải rèn kỹ năng thành thục, khéo léo, tỉ mỉ, nhẫn nại... quan trọng hàng đầu phải là uy tín - chất lượng”.
Quốc Bảo (bìa phải) hướng dẫn các em của mình cách sửa xe

Quốc Bảo (bìa phải) hướng dẫn các em của mình cách sửa xe

Là một trong những thanh niên được hỗ trợ vay 15 triệu đồng làm vốn sản xuất, kinh doanh qua nguồn vốn từ NHCSXH với lãi suất thấp. Sau 2 năm, Quốc Bảo đã đầu tư và phát triển thành công “cơ ngơi” của mình, trở thành tiệm sửa chữa, tân trang, bán phụ tùng xe máy đáng tin cậy ở ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình.

Vốn nhỏ, hiệu quả lớn

Anh Nguyễn Tấn Sĩ - Bí thư Chi đoàn ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, cho hay, cùng với Quốc Bảo, còn có 6 thanh niên của xã được tiếp cận vốn vay, hầu hết họ sử dụng để nuôi cá, nuôi heo, kinh doanh, buôn bán nhỏ. Tuy vốn vay chỉ 15 triệu đồng/đoàn viên, nhưng đã tiếp sức rất lớn cho anh em đầu tư phát triển kinh tế.

Ðơn cử như trường hợp của Quốc Bảo, hơn 5 năm trước, dù Bảo đã được học khá vững tay nghề tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng anh chỉ có thể mở tiệm sửa xe nhỏ để vá ép, bơm hơi và sửa chữa nhỏ. Nhờ chịu khó mày mò, tiệm làm ăn khá. “Năm 2013, may mắn được Xã đoàn giới thiệu nguồn vốn vay được 15 triệu đồng, cùng sự giúp sức của gia đình, tôi quyết chí mở rộng và mua thêm dụng cụ, phụ tùng để đáp ứng nhu cầu sửa chữa, và “kiêm” rửa xe cho khách. Sau 2 năm đầu tư tiệm, đã thu vốn, tích lời. Hiện, mức thu nhập mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng”, anh Quốc Bảo cho biết. Có lãi từ tiệm, anh mạnh dạn thả nuôi 2 ao cá bống tượng để tăng thêm thu nhập, tận dụng nguồn cá mồi có sẵn, nên tiết kiệm chi phí. Vừa qua, anh lên 1 ao cá được 18 triệu đồng.

25 tuổi, với ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, Quốc Bảo tạo lập sự nghiệp bằng nghề sửa xe, nhờ vậy kinh tế ổn định, lo được mái ấm gia đình có vợ và cô con gái nhỏ. Ngoài ra, anh còn giúp 2 thanh niên ra nghề sửa xe như mình, hiện anh đang truyền và chia sẻ kinh nghiệm nghề cho nhiều thanh niên địa phương. Quốc Bảo đang tích góp và học hỏi kinh nghiệm để thực hiện “dự án” nuôi khoảng 50 - 70 con cá sấu. Cuối năm này, anh sẽ mua thêm máy vá vỏ xe hơn 17 triệu đồng.

Cần trợ lực mạnh hơn

Ðồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, trong những năm qua, Huyện đoàn Thới Bình, thông qua việc hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn NHCSXH, vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đã giúp đỡ cho đoàn viên, thanh niên phát triển các loại hình kinh tế như: nuôi gia súc, gia cầm, giải quyết việc làm thường xuyên và mùa vụ… bên cạnh, mở lớp chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kiến thức về xây dựng mô hình kinh tế. Ðồng thời, qua việc xây dựng quỹ giúp đỡ nhau về cây, con giống, ngày công, góp vốn xoay vòng trị giá hơn 40 triệu đồng, đã có hơn 190 đoàn viên thanh niên đăng ký thực hiện mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích. Nhờ vậy, các Xã đoàn, Ðoàn thị trấn kết hợp NHCSXH thu hồi các nguồn vốn vay đúng hạn.

Anh Phù Công Triều - Q. Bí thư Huyện đoàn Thới Bình, cho biết: “Nguồn vốn vay tuy không lớn, nhưng được sử dụng theo hướng tập trung, tạo việc làm và hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhất là do đoàn viên thanh niên làm chủ, nên họ đã lập nghiệp thành công, không chỉ đem lại thu nhập cho bản thân, mà còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương”.

Song, hiện vẫn còn không ít thanh niên có nguyện vọng khởi nghiệp nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Bởi thực tế, quy mô của nguồn vốn còn hạn hẹp trong khi nhu cầu vay của thanh niên còn rất lớn. Do đó số lượng vốn chưa đáp ứng được nhu cầu, gây khó khăn trong việc mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh của thanh niên.

Theo anh Triều, huyện có 3 xã có thanh niên đang được tiếp cận nguồn vốn: xã Tân Lộc Bắc hơn 120 triệu đồng (vốn 120 TW Ðoàn); xã Tân Lộc Ðông 80 triệu đồng, Biển Bạch 60 triệu đồng (vốn NHCSXH). Như vậy, mỗi thanh niên chỉ vay mức cao nhất được từ 15 - 20 triệu đồng, chỉ phát triển 1 - 2 mô hình. “Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp bộ Ðoàn, thông qua những chính sách phù hợp, trong thời gian tới, các bạn thanh niên nông thôn sẽ có nhiều hơn những cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Từ đó mở rộng quy mô, liên kết tạo việc làm cho nhiều thanh niên khác”, anh Triều kỳ vọng.

CTV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác