Nông dân Hưng Yên vay vốn ưu đãi say sưa với ruộng đồng

15/07/2015
(VBSP News) Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên Trần Thị Tuyết Hương thì đến nay các cấp hội ở 10 huyện, thành phố đã thực hiện hiệu quả hoạt động uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác 7 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng số tiền trên 636 tỷ đồng cho trên 31 nghìn hộ vay thông qua 1.156 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo là 172 tỷ đồng, hộ cận nghèo là 109 tỷ đồng...
Bà con nông dân khắp các xã của tỉnh Hưng Yên vay tiền chủ yếu về đầu tư vào mở rộng diện tích trồng cây ăn quả như nhãn, bưởi, cam...

Bà con nông dân khắp các xã của tỉnh Hưng Yên vay tiền chủ yếu về đầu tư vào mở rộng diện tích trồng cây ăn quả như nhãn, bưởi, cam…

Ngoài việc hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã chủ động lồng ghép hoạt động vay vốn với đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, các cấp hội đã tổ chức được trên 300 lớp tập huấn, tọa đàm trao đổi cách thức sử dụng vốn vay và chuyển giao kỹ thuật cho 29 nghìn lượt hội viên. Song song đó, hội cũng tập trung chỉ đạo các xã, phường làm tốt công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện uỷ thác vay vốn chính sách, do vậy tình trạng nợ quá hạn giảm đáng kể, tạo uy tín cao đối với NHCSXH và cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Hoạt động uỷ thác vay vốn chính sách của Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đang có sức lan tỏa, cuốn hút các hộ nghèo, hộ cận nghèo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm quen với sản xuất hàng hóa tăng thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu. Nhiều hội viên từ vùng ven bãi phù sa Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động đến đồng chiêm trũng Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ… sử dụng vốn vay đầu tư phát triển nuôi lợn thịt, vịt đàn đẻ trứng, trồng chuối tiêu hồng, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Nguồn vốn uỷ thác của NHCSXH thực sự phát huy tác dụng làm thay đổi bộ mặt làng quê, giúp đỡ trên 2.000 hộ nông dân trong tỉnh thoát nghèo bền vững.

Tiêu biểu như hội viên nông dân Trịnh Văn Quỳnh ở thôn Lễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên đã sử dụng 20 triệu đồng vay đầu tư cải tạo khu đất hoang ven sông Hồng để trồng nhãn, nuôi ong, thả cá. Hiện cơ ngơi của người nông dân siêng năng, dám nghĩ dám làm này có khu vườn phủ kín 200 gốc nhãn lồng, nhãn đường phèn, năm vừa rồi thu hái ngót chục tấn quả, bán được giá gần 250 triệu đồng; ao thả cá rộng tới 3 mẫu và 300 thùng mật ong lấy mật hoa nhãn, của quê hương.

Nông dân Trịnh Văn Quỳnh vay vốn ưu đãi trồng nhãn, nuôi ong lấy mật và đào ao thả cá

Nông dân Trịnh Văn Quỳnh vay vốn ưu đãi trồng nhãn, nuôi ong lấy mật và đào ao thả cá

Tương tự, anh Lê Văn Thịnh ở xóm Mới, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động đã sử dụng nguồn vốn vay uỷ thác lập trại nuôi vịt đẻ trứng gần 2.000 con. Nuôi lứa vịt đầu kết quả cao, anh Thịnh vừa hoàn trả hết vốn vay cho ngân hàng, vừa dành dụm vốn liếng, công sức mở rộng quy mô chăn nuôi, để đến hàng tháng thu lãi hơn 10 triệu đồng từ tiền bán trứng và ấp vịt con.

Thông qua hoạt động uỷ thác vay vốn chính sách của Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.

Để chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và NHCSXH thực sự có hiệu quả thiết thực hơn, Hội Nông dân tỉnh xác định tiếp tục triển khai việc tập huấn về quản lý tín dụng, ghi chép sổ sách cho cán bộ hội và Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao năng lực trong công tác tín dụng chính sách; triển khai lồng ghép hoạt động của NHCSXH với các chương trình dự án của hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đắc lực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Ngọc Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác