Tín dụng chính sách góp phần quan trọng giảm nghèo ở Hưng Yên
Để cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã thực hiện phương thức ủy thác quản lý tín dụng chính sách cho 4 tổ chức hội, đoàn thể với gần 4 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, xóm, tạo nên một kênh dẫn vốn hiệu quả.
Là một trong số nhiều hộ nghèo ở Hưng Yên sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, bà Phạm Thị Chay ở thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa, TP. Hưng Yên, vui mừng cho biết: Sau khi được vay vốn từ chương trình hộ nghèo, bà đầu tư nuôi bò sinh sản. Qua 3 năm, con bò sinh 3 con bê. Bà Chay bán 2 con bê là đủ tiền trả vốn vay NHCSXH. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đã qua, bà Chay cho biết: “Trước đây, mỗi năm vợ chồng tôi cấy lúa 2 vụ, trồng rau màu vụ đông vậy mà phải tằn tiện lắm mới đủ nuôi 3 con ăn học, không biết đến khi nào mới thoát cảnh nghèo. Bây giờ tuy các con tôi đã trưởng thành nhưng vợ chồng chúng tôi lại có tuổi, chẳng còn sức khỏe để cáng đáng việc đồng áng như trước. Nhờ vốn vay ưu đãi của Nhà nước chúng tôi gây được đôi bò mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình phù hợp và hiệu quả hơn”.
Đối với chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Dung, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh Hưng Yên còn quý giá hơn. Năm 1995, chị Nga xây dựng gia đình. Anh chị có 3 người con thì con lớn bị tàn tật. Cuộc sống gia đình chị Nga hết sức khó khăn và liên tục được xếp vào danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2009, chị được vay 16 triệu đồng từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn nhãn và diện tích mặt ao thả cá. Năm 2011, chị lại được vay 8 triệu đồng chương trình cho hộ nghèo vay làm nhà ở. Với số vốn đó và sự giúp đỡ của bà con họ hàng, gia đình chị đã làm được ngôi nhà mới. Đến nay gia đình chị Nga đã xây dựng được mô hình kinh tế VAC. “Vốn vay từ NHCSXH đã thực sự cứu gia đình tôi thoát khỏi cảnh nghèo đói”, chị Nga nghẹn ngào nói.
Còn nhiều hộ nghèo ở các địa phương khác trong tỉnh Hưng Yên cũng đã thoát nghèo từ vốn tín dụng chính sách. Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ Nguyễn Văn Đoan, khẳng định: “Các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện tăng trưởng nhanh với tốc độ trung bình mỗi năm hơn 23,7% đã góp phần tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của huyện. Có hơn 7 nghìn hộ dân trong huyện đã thoát nghèo”.
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, các cán bộ cơ sở cũng như người dân bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách cho hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển kinh tế hộ để thoát nghèo bền vững. Bởi thực tế điều kiện kinh tế và kỹ năng sản xuất giữa hộ mới thoát nghèo và hộ nghèo chẳng khác nhau là mấy. Chỉ cần một rủi ro nhỏ trong sản xuất, hay gia đình có người đau ốm… là có thể bị tái nghèo.
Bài và ảnh Đức Long
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Sử dụng vốn vay chính sách chuyển hướng chăn nuôi hiệu quả
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở xã vùng cao
- » Đồng hành cùng hộ nghèo
- » Phụ nữ Tam Quan Nam quản lý vốn tốt nguồn vốn vay
- » Vốn ưu đãi tiếp sức hộ nghèo
- » Hướng đến sự phát triển bền vững
- » Chuyện của những người “thành công”
- » Tạo cơ hội cho sinh viên vay vốn học tập
- » Tiếp sức cho những ước mơ
- » Thêm nguồn lực giảm nghèo bền vững