Vốn ưu đãi tiếp sức hộ nghèo

02/03/2015
(VBSP News) Chương trình cho vay hộ cận nghèo thực hiện được gần 2 năm nhưng đã thổi luồng gió tín dụng mới đầy giá trị nhân văn tới những vùng quê nghèo Hà Tĩnh.
Cán bộ NHCSXH kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ cận nghèo ở thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn

Cán bộ NHCSXH kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ cận nghèo ở thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn

Câu chuyện về đồng vốn tín dụng ưu đãi tiếp sức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên đổi thay cuộc sống ở tỉnh nghèo Hà Tĩnh thì nhiều lắm. Thế nhưng, để có thể thoát nghèo bền vững ở mảnh đất chảo lửa túi mưa, thiên tai khắc nghiệt thực sự là một hành trình dài và nhiều gian khó.

Bởi vậy, chương trình cho vay hộ cận nghèo được thực hiện gần 2 năm đã thổi luồng gió tín dụng mới đầy giá trị nhân văn tới những vùng quê nghèo. Ở đó, niềm tin về một hành trình tiếp sức trọn vẹn của nguồn vốn NHCSXH cho người nghèo ngày càng thêm bền chặt.

Từ những câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn

4 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn ở thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn là hộ nghèo được NHCSXH huyện Hương Sơn cho vay vốn. Số tiền 10 triệu đồng ở thời điểm đó đủ mua 2 con hươu giống để gia đình nghèo sau hoạn nạn làm lại từ đầu. Chăm chỉ và làm ăn có kế hoạch, gia đình chị Nhàn thường xuyên có thu nhập từ bán hươu giống, nhung hươu và đã thoát nghèo.

Tháng 10/2013, tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi với số tiền 30 triệu đồng, chị dồn vốn liếng đầu tư phát triển đàn trâu bò. Sự đồng hành bền lâu của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình chị từng bước vươn lên trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã với đàn gia súc (gồm cả hươu, trâu và bò) đến thời điểm này là 13 con.

“Không chỉ tiếp sức cho chúng tôi trong phát triển sản xuất, NHCSXH còn cho vay vốn để con đầu của chúng tôi học đại học. Đến nay, dẫu chúng tôi còn nợ ngân hàng tới 70 triệu đồng vốn của các chương trình nhưng cơ nghiệp mà gia đình có được đã lớn hơn nhiều lần”, chị Nhàn cho biết.

Nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo đang được khơi thông ở khắp các vùng quê còn nhiều khó khăn ở Hà Tĩnh, từ vùng núi, vùng xa đến các xã nghèo vùng biển. Theo chân cán bộ tín dụng ngân hàng, chúng tôi đến với mô hình sản xuất gạch táp lô của anh Hồ Văn Dũng  ở xóm Hồng Dinh, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà. Những ngày đầu xuân, cha con anh vẫn tranh thủ chuyển mẻ gạch mới ra lò lên xe để đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.

Anh Dũng chia sẻ: “Khi bắt tay đầu tư dây chuyền sản xuất hơn 100 triệu đồng, tôi rất lo, không biết làm gì để trang trải cho đại gia đình 4 thế hệ với 9 nhân khẩu. Thật may là chương trình cho vay hộ cận nghèo đã giúp tôi giải quyết một phần bài toán vay vốn với chi phí lãi suất thấp”.

Cơ sở gạch ra đời tận dụng được nguyên liệu ở địa phương nên giá bán sản phẩm phải chăng, được khách hàng tin dùng. Gạch làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Cả 3 bố con tôi có việc làm thường xuyên với thu nhập khá. “Dẫu công việc khá vất vả nhưng điều quan trọng là nỗi ám ảnh của đói nghèo nay đã lùi xa”, anh Dũng cho biết thêm.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh Lưu Văn Minh cho biết, chương trình cho vay hộ cận nghèo được xác định là một cơ hội lớn cho hộ nghèo thoát nghèo một cách vững chắc, là động lực quan trọng để địa phương hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Vì vậy, chương trình đã được Ban đại diện HĐQT các cấp của tỉnh Hà Tĩnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, ngân hàng phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai tích cực và chính quyền các địa phương nhiệt tình vào cuộc.

Đến thời điểm này, dư nợ của chương trình cho vay hộ cận nghèo của Hà Tĩnh đạt trên 504 tỷ đồng với 18.561 khách hàng vay vốn. Chương trình đã được người dân vui mừng đón nhận và xu hướng dư nợ cho vay hộ cận nghèo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, trở thành một trong những chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất trong số 13 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn.

Đến ước mong cắt đứt đói nghèo

Ở huyện miền núi Hương Khê, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 30%, người dân đã thực sự được tiếp sức bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Theo thống kê của NHCSXH huyện, đến nay, dư nợ cho vay hộ nghèo gần 82 tỷ đồng và cho vay hộ cận nghèo trên 35 tỷ đồng. Hiện toàn huyện còn có hàng trăm hộ sau thoát nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình rất dễ tái nghèo khi gặp rủi ro.

Trên thực tế, sau những đợt lũ lụt xảy ra những năm gần đây, NHCSXH đã phải xử lý khoanh nợ 15 món với số tiền 73 triệu đồng và xóa nợ 215 món với số tiền 491 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn Phan Văn Chúc, cho biết: “Ở xã vùng lũ, sản xuất thuần nông như Sơn Tiến, tỷ lệ hộ cận nghèo còn chiếm hơn 29% trong tổng số 1.772 hộ dân. Hộ cận nghèo nếu không may gặp rủi ro trong sản xuất sẽ rất dễ trở lại với điểm xuất phát của hộ nghèo. Chương trình cho vay hộ cận nghèo thực sự đã thổi một luồng sinh khí mới, giúp những người dân khó khăn có cơ hội vươn lên làm chủ cuộc sống.

Tuy nhiên, một thực tế là có những hộ vừa mới thoát nghèo, không thuộc đối tượng hộ cận nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, cắt đứt với nỗi ám ảnh của đói nghèo. Những hộ sau thoát nghèo này thường chưa đủ điều kiện và sự tự tin để tiếp cận nguồn vốn của các Ngân hàng thương mại. Họ thực sự cần sự tiếp sức”.

Dành sự ưu tiên hơn nữa trong tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là mong muốn của rất nhiều vùng khó khăn ở tỉnh Hà Tĩnh. Ở địa phương vùng biển ngang Thạch Trị, huyện Thạch Hà, nơi mà một nhân khẩu chỉ có 12 thước đất sản xuất và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn trên 30% thì hành trình để hộ nghèo và hộ cận nghèo bước ra khỏi vòng luẩn quẩn và hộ mới thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống rất cần sự tiếp sức lâu bền.

“Với những đối tượng nhạy cảm này, nếu phải vay nguồn vốn lãi suất cao để phát triển kinh tế thì hiệu quả vẫn bấp bênh. Bởi vậy, chương trình cho vay hộ cận nghèo triển khai ở Thạch Trị đã khẳng định kết quả đáng mừng. Nếu như hộ mới thoát nghèo đều có sự tiếp sức bền bỉ như vậy thì người dân ở vùng khó khăn sẽ có được điểm tựa vững chắc để tự tin vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no cho chính mình”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà Đậu Thị Thủy Sóng chia sẻ.

Bài và ảnh Mai Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác