Làng biển Cồn Thoi xuân này vui hơn

20/02/2015
(VBSP News) Ông Phạm Văn Nguyên, người CCB từng có thâm niên 10 năm liên tục làm Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng uỷ xã Cồn Thoi, 1 trong 6 xã vùng bãi ngang của huyện Kim Sơn, nay vẫn được bà con làng biển Cồn Thoi tin yêu giao nhiệm vụ mới là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, vui vẻ cho chúng tôi biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của NHCSXH tỉnh Ninh Bình, UBND xã đã chọn xã Cồn Thoi để đăng ký thực hiện mô hình “làng thoát nghèo bền vững”, nhằm làm điểm để chỉ đạo các làng xóm còn lại, khi ấy chúng tôi thấy vinh dự nhưng cũng rất lo lắng. Vì vùng quê này vốn khó khăn, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo vừa cao, vừa không có vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Giúp họ có được thu nhập để thoát khỏi hoàn cảnh đói nghèo hiện tại đã khó nhưng thoát nghèo bền vững lại càng khó hơn”.

1

Không để phụ lòng tin của lãnh đạo và sự mong muốn của bà con, Trưởng thôn và các chi hội: Phụ nữ, Nông dân, CCB đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với Tổ tiết kiệm và vay vốn do CCB Phạm Văn Nguyên làm Tổ trưởng đã nêu quyết tâm thực hiện từ đầu mùa xuân năm 2012. Qua rà soát, thời điểm đó, cả làng có tỷ lệ hộ nghèo 8,4%, hộ cận nghèo là 8,2%, mỗi hộ có hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Để giúp họ thoát nghèo một cách bền vững cùng với việc chính quyền tổ chức đối thoại với từng hộ nghèo nhằm nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của họ, cán bộ tín dụng NHCSXH từ tỉnh đến huyện đã trực tiếp họp bàn, hướng dẫn củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

“Để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần xóa nghèo bền vững, Tổ tiết kiệm và vay vốn của làng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến các thành viên; thông báo tình hình vay vốn, sử dụng vốn vay; nhắc nhở, đôn đốc hộ vay trả nợ và nộp lãi đúng kỳ hạn. Trước khi được vay vốn, Ban quản lý tổ đã tổ chức họp lấy ý kiến mọi thành viên, bình xét công khai, công bằng và hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn nhanh gọn, chính xác. Đặc biệt, Ban quản lý tổ đã phân công cán bộ, đảng viên kèm cặp, giúp đỡ cho các hộ nghèo trong phát triển sản xuất, hàng tháng kịp thời báo cáo trước chi bộ đảng về những kết quả đạt được. Nhờ đó, đến nay dư nợ đạt 1,3 tỷ đồng đầu tư có kết quả rõ rệt vào các mô hình thoát nghèo bền vững”, ông Nguyên cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quyết Chiến, cán bộ MTTQ được phân công về Tổ tiết kiệm và vay vốn để hỗ trợ các đối tượng chính sách thoát nghèo, đã tích cực, hăng hái giúp gia đình ông Trần Văn Tăng và chị Nguyễn Thị Nhàn từ việc làm thủ tục vay vốn chính sách, lập kế hoạch mua con giống, cải tạo ao đầm, kỹ thuật chăm sóc nuôi tôm thẻ chân trắng. “Khi hồ sơ vay vốn mới được phê duyệt, tôi đứng ra thuê lao động đào mương dẫn nước mặn vào ao nuôi thủy sản, đi mua con giống, thức ăn giúp hộ nghèo… đến khi nhận được tiền vay từ NHCSXH thì trả lại sau. Nhờ đó đã giúp rút ngắn được thời gian do không phải đợi chờ vốn”, ông Chiến cho biết về cách làm của mình.

Ghé thăm hộ chị Nguyễn Thị Nhàn vào những ngày này, mới cảm nhận được hết niềm vui của gia đình khi được chính thức công nhận thoát nghèo vào dịp cuối năm 2014. Tết này, gia đình chị đón xuân trong căn nhà mới xây do được mùa tôm từ đồng vốn vay ưu đãi.

Gia đình chị Nhàn có 5 nhân khẩu, trước đây nguồn thu chủ yếu dựa vào làm thuê, chạy chợ nên nhiều năm qua thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2012, tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi và được hướng dẫn cách sử dụng vốn vay gia đình chị Nhàn đã dùng hết vào cải tạo hơn 1ha mặt nước và mua hàng vạn con tôm giống về nuôi thả. Từ mùa xuân năm nay trở đi, sản phẩm thủy sản sẽ là nguồn thu nhập chính giúp gia đình chị Nhàn thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Từ thành công của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn đang tích cực nhân rộng mô hình “làng thoát nghèo bền vững” ra các tổ khác ở 27 xã, thị trấn trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Phạm Văn Hưng, cho biết: “Với hơn 270 tỷ đồng của 9 chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp toàn huyện giảm nghèo từ 10,4% năm 2010 nay còn có 4,7%, trong đó làng Cồn Phú thoát nghèo 90%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 3,7%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 24,8 triệu đồng/năm. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Cồn Thoi sớm trở thành xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện.

Mô hình nuôi tôm ở Cồn Thoi hiệu quả là có sự trợ giúp đắc lực về vốn của Nhà nước

Mô hình nuôi tôm ở Cồn Thoi hiệu quả là có sự trợ giúp đắc lực về vốn của Nhà nước

Theo bà Lã Thị Hồng Yến - Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình, để giữ vững và nhân rộng mô hình “làng xóm thoát nghèo bền vững”, ngay từ đầu năm 2015, NHCSXH đã tập trung chỉ đạo, phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh việc hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cách sử dụng đồng vốn ưu đãi vào sản xuất, kinh doanh thực hiện có hiệu quả hơn những mô hình kinh tế. Đối với những hộ đã thoát nghèo thì tiếp tục giúp đỡ để họ ổn định, vươn lên, tránh tình trạng tái nghèo. Đồng thời, triển khai nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất, hướng tới mùa xuân tươi sáng, ấm no.

Bài và ảnh Phương Nhi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác