Người nghèo ở Hà Tĩnh có chòi tránh lũ đón Tết
Tính nhân văn từ một chương trình
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 716/QĐ-TTg về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Nằm trong chương trình thí điểm, Hà Tĩnh có 99 hộ dân nghèo tại 3 xã là Hòa Hải, Phương Mỹ, huyện Hương Khê và xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Với nguyên tắc cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2, các kết cấu chính như móng, khung, sàn xây dựng kiên cố, giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng một chòi. Mỗi hộ gia đình nằm trong diện thụ hưởng được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, NHCSXH cho vay 10 triệu đồng với mức lãi suất 3%/năm, số tiền còn lại huy động từ cộng đồng và gia đình đóng góp.
Là xã nghèo ven biển của huyện Hương khê, hàng năm khi mùa mưa bão đến, Hòa Hải luôn bị ngập lụt, chỉ cần mưa lớn liên tục trong vài ngày là cả xã đã chìm trong biển nước, của cải người dân bị cuốn trôi, mọi sinh hoạt, sản xuất ngưng trệ. Vì vậy, những năm qua Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhưng đến nay Hòa Hải vẫn là một xã nghèo. Với điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế - xã hội khó khăn như vậy nên việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng chòi tránh lũ cho người dân thật sự trở thành động lực giúp họ có niềm tin để ổn định cuộc sống.
Đến thăm gia đình ông Trần Văn Tạo ở xóm 8, xã Hòa Hải khi ông đang chăm sóc vườn rau chuẩn bị cho thu hoạch tết này, trên khuôn mặt khắc khổ của người nông dân “một nắng hai sương” ánh lên sự lạc quan, tin tưởng. Chỉ tay về phía chòi tránh lũ, ông cho biết: “Trước đây, khi mùa mưa lũ về là gia đình phải di tản, dựng tạm căn lều bên sườn đồi, cuộc sống rất khó khăn, không yên tâm phát triển sản xuất, chăn nuôi”.
Nay thì mọi thứ đã khác, số tiền 10 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ và 10 triệu đồng vay từ NHCSXH cùng sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, tổng cộng 75 triệu đồng, gia đình ông Tạo đã xây dựng chòi tránh lũ 2 tầng khá kiên cố. Ngày thường, tầng 2 của chòi tránh lũ là nơi sinh hoạt của 2 người con, nhưng khi mùa lũ về đó sẽ là nơi ở, sinh hoạt của cả gia đình. “Có chòi tránh lũ rồi, gia đình đã yên tâm, không phải lo chạy lũ như những năm trước”, ông Tạo tâm sự.
Cũng được hỗ trợ và vay vốn ưu đãi để xây chòi tránh lũ như gia đình ông Tạo, anh Nguyễn Văn Hứa và chị Trần Thị Kha một hộ gia đình giáo dân ở xóm 8, xã Hòa Hải xây dựng chòi tránh lũ khang trang, đầy đủ hơn. Anh Hứa cho biết, chòi tránh lũ không chỉ là nơi ở, sinh hoạt khi mùa lũ về mà đây còn là nơi ở thường xuyên của 2 đứa con với các vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Trước đó, gia đình anh Hứa, chị Kha sống trong căn nhà tranh chật hẹp, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay NHCSXH cùng sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, anh chị xây dựng chòi tránh lũ với số tiền gần 100 triệu đồng. Giờ thì chòi tránh lũ rộng 45m2 đã thực sự trở thành tổ ấm của gia đình, cuộc sống như thay đổi hoàn toàn với gia đình người giáo dân sống tốt đời đẹp đạo nơi miền sơn cước.
Vẫn cần thêm vốn
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chương trình cho vay xây dựng chòi tránh lũ đã được NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh triển khai từ năm 2012 theo Quyết định số 716/QĐ-TTg, với 99 hộ nghèo tại hai huyện Hương Khê, Hương Sơn được vay 990 triệu đồng. Số vốn tuy nhỏ, nhưng hiệu quả từ chương trình thí điểm mang lại là rất lớn, đảm bảo cho các hộ dân sống trong vùng ngập lũ được an toàn về tính mạng và tài sản. Thấy được ý nghĩa nhân văn từ chương trình đối với người dân vùng lũ, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo đó mức vay tại NHCSXH sẽ được nâng lên 15 triệu đồng. Tuy nhiên, với tình hình biến động giá cả hiện nay thì mức cho vay chương trình vẫn còn ít so với nhu cầu của người dân”.
Thực tế cho thấy, hầu hết các hộ dân nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay ưu đãi từ NHCSXH xây dựng chòi tránh lũ đều phải vay mượn thêm mới đủ tiền để xây dựng. Như gia đình anh Hứa, chị Kha sau khi xây dựng chòi tránh lũ gần 100 triệu đồng, thì số tiền anh chị vay mượn bên ngoài cũng hơn 50 triệu đồng. Đây thực sự là một gánh nặng không nhỏ đối với những hộ dân còn khó khăn như gia đình anh chị.
Bà Hồ Thị Huyền - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hải cho biết thêm: Xã có 27 hộ dân nghèo được Nhà nước hỗ trợ và NHCSXH cho vay vốn ưu đãi để xây dựng chòi tránh lũ, xác định đây là nhà ở kiên cố cho người dân nên địa phương để mỗi hộ gia đình tự thiết kế chòi tránh lũ phù hợp với điều kiện từng gia đình. Với số vốn được hỗ trợ thì người dân vẫn phải vay mượn thêm mới đủ để làm chòi tránh lũ đảm bảo các yêu cầu đề ra, đây thực sự là một khó khăn, đối tượng được vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều hộ xây xong chòi tránh lũ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Vì thế Đảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nâng mức cho vay tại NHCSXH để người dân đủ vốn xây dựng chòi tránh lũ. Hiện nay, còn rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã chưa có nhà ở an toàn trong mùa lũ cũng đang mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để xây chòi tránh lũ.
Bài và ảnh Trần Giáp
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hà Giang: Trăn trở tín dụng giảm nghèo
- » Nâng mức cho vay, giảm lãi suất: Người nghèo thêm phần phấn khởi
- » Điểm sáng* chính sách tín dụng giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách xã hội - Một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Đại biểu Quốc hội phân tích về “điểm sáng” tín dụng chính sách
- » Thư chúc mừng năm mới của Thống đốc NNHNN Việt Nam
- » Những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015
- » Một năm mã đáo thành công
- » Vốn chính sách - động lực giúp người dân Kỳ Sơn thoát nghèo bền vững
- » “Cú hích” để người nghèo Tây Ninh vươn lên làm giàu