Nâng mức cho vay, giảm lãi suất: Người nghèo thêm phần phấn khởi
Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã đến tay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác thực sự phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai đã xuất hiện những vướng mắc như mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo chỉ có 30 triệu đồng/hộ, số tiền ấy là rất đáng quý nhưng không còn phù hợp với tình hình, giá cả hiện nay; nhiều nông dân nghèo muốn vay vốn mua một chiếc máy xay xát nhưng tổng chi phí đã lên tới trên 50 triệu đồng; giá mỗi con trâu to khỏe, có thể dùng ngay vào việc đi kéo gỗ cũng khoảng trên dưới 60 triệu đồng… Vì vậy, HĐQT NHCSXH quyết định về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo 50 triệu đồng đã đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân. Thời gian qua, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Vạn Xuân thuộc huyện nghèo Thường Xuân (Thanh Hóa) vui mừng hơn khi được vay mức mới để có thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế, đây là động lực mạnh mẽ giúp phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dừng chân trước ngôi nhà sàn vừa hoàn thiện của ông Cầm Ngọc Cấp Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bù Đồn, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, chúng tôi đã nghe tiếng thảo luận sôi nổi của các thành viên trong tổ. Thấy chúng tôi tới thăm nhà, Tổ trưởng Cấp hồ hởi bắt tay thật chặt. Ông cho biết: Tôi làm Tổ trưởng do Hội Nông dân quản lý đã hơn gần 10 năm, hiện tại tổ có 43 thành viên, dư nợ hơn 700 triệu đồng. Trước đây, bà con trong thôn vay vốn chính sách rất ít, vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại thu nhập, nhiều hộ được vay vốn ưu đãi rồi, mang về “bỏ ống tre” hàng tháng mang đi trả lãi cho ngân hàng. Cán bộ NHCSXH huyện Thường Xuân cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay chính sách. Thật đáng mừng là từ khi tăng cường tuyên truyền giải thích đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn nhiều hơn hẳn, bà con cũng đã biết đầu tư đúng hướng, mang lại thu nhập ổn định. Nay được nâng mức vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nghe thông tin tuyên truyền, bà con mừng lắm, lại có thêm vốn để đầu tư trồng rừng, chăn nuôi… Nhìn các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đang say sưa thảo luận về các chương trình tín dụng ưu đãi, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay đang đến với các bản, làng ở xã Vạn Xuân, đổi thay đến từ các chương trình tín dụng chính sách mà từng cán bộ NHCSXH đang ngày đêm âm thầm và bằng một quyết tâm cháy bỏng để giúp bà con nơi đây thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân Cầm Bá Chiến, cho biết: “Các chương trình tín dụng ưu đãi được chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể các cấp đánh giá rất cao, là giải pháp tích cực để giảm nghèo bền vững, góp phần cho nền kinh tế ở vùng miền núi khởi sắc hơn. Nếu không được sự hỗ trợ của vốn chính sách, không biết đến bao giờ người dân ở xã Vạn Xuân mới có thể phát triển được”.
Chúng tôi có mặt ở xã Định Long, huyện Yên Định đã quá trưa, nhưng vẫn còn đông khách hàng đến giao dịch với ngân hàng. Gặp chị Trịnh Thị Châm vui mừng cho biết: “Hôm nay tôi đến nhận tiền vay 40 triệu đồng vốn hộ nghèo, đây là mức vay mới được triển khai. Vì nhà nghèo nên chưa bao giờ cầm nhiều tiền thế này nên rất cảm động. Do khó khăn về vốn, trong những năm qua, gia đình tôi chỉ nuôi được 2 con lợn/lứa, tự cung tự cấp là chính, nên nghèo mãi. Với số vốn này, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch mở rộng chuồng trại, nuôi đàn lợn hơn chục con và mua thêm 2 con trâu”.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền, cho biết: Việc nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng/hộ là quyết định hết sức đúng đắn, giống như việc cởi nút thắt về vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ngay từ cuối tháng 4/2014, chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, xã và các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo và hộ cận nghèo; tổ chức niêm yết công khai chủ trương trên bảng thông tin treo tại các Điểm giao dịch xã. Bên cạnh đó, tổ chức họp giao ban định kỳ triển khai nội dung chủ trương trên để các tổ đăng ký nhu cầu vốn, sau đó tổng hợp lập kế hoạch đề nghị Trung ương phân bổ nguồn. Đến nay, chi nhánh đã hoàn thành kế hoạch dư nợ đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo; với 350 nghìn khách hàng vay vốn, dư nợ đạt gần 7 nghìn tỷ đồng.
Niềm vui của ông Cấp, chị Châm cũng như niềm vui của hàng chục nghìn hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn được vay vốn từ NHCSXH có được là do chính sách ưu đãi của Nhà nước. NHCSXH thực sự trở thành “bà đỡ”, là người bạn đồng hành của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn ưu đãi được tăng thêm như một luồng gió mới, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện, động lực để tập trung phát triển kinh tế một cách bền vững hơn. Nguồn vốn ưu đãi như dòng suối mát đã và đang len lỏi đến từng bản, làng, thôn, xóm cùng bà con xây dựng quê hương giàu mạnh.
Bài và ảnh Khánh Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Điểm sáng* chính sách tín dụng giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách xã hội - Một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Đại biểu Quốc hội phân tích về “điểm sáng” tín dụng chính sách
- » Thư chúc mừng năm mới của Thống đốc NNHNN Việt Nam
- » Những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015
- » Một năm mã đáo thành công
- » Vốn chính sách - động lực giúp người dân Kỳ Sơn thoát nghèo bền vững
- » “Cú hích” để người nghèo Tây Ninh vươn lên làm giàu
- » Quy định về nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo miền Trung xây nhà tránh bão
- » Bạn đồng hành vượt nghèo ở Côn Đảo