Tín dụng chính sách xã hội - Một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo

16/02/2015
(VBSP News) Dựa trên kết quả giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ngày 24/6/2014 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Trong đó, xác định tín dụng ưu đãi để giảm nghèo vẫn là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo. Đây là chia sẻ mới đây của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng với chúng tôi.

Do-Manh-Hung-2

Qua thực tế giám sát, ông có thể đánh giá về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trong công cuộc giảm nghèo bền vững thời gian qua, thưa ông?

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Qua giám sát, Quốc hội đánh giá tín dụng chính sách trong giảm nghèo là một “điểm sáng” trong tổng thể hệ thống các chính sách đối với các nỗ lực giảm nghèo. Tính chung cả nước trong giai đoạn 2005 - 2012, NHCSXH đã tạo điều kiện cho hơn 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi và đã thực sự xóa nghèo cho 2,4 triệu hộ. Đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì vai trò của tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện lại càng rõ rệt ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, đây là nguồn lực để hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất, kinh doanh nhất là việc hỗ trợ để ứng dụng các tiến bộ KHKT, hỗ trợ mua cây, con giống và các tư liệu sản xuất khác.

Thứ hai, đây là nguồn vốn rất quan trọng để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có thể sử dụng cùng với các nguồn lực khác để làm nhà ở, xóa nhà tạm. Theo chính sách trong giai đoạn vừa qua, nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo làm nhà ở thường hình thành từ 3 nguồn chính, đó là từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH và huy động từ cộng đồng dân cư. Nhưng đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì việc huy động vốn từ cộng đồng dân cư thường là thấp, cho nên có thể nói vai trò chính vẫn là từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH.

Thứ ba, nguồn vốn tín dụng chính sách rất quan trọng để cho con em hộ đồng bào dân tộc ở miền núi nói chung, trong đó có người nghèo được bảo đảm việc học hành.

Vì thế, chúng tôi đánh giá tín dụng chính sách xã hội là một chính sách phát huy tác dụng hiệu quả rất tốt trong thời gian vừa qua.

Cùng với những mặt thuận lợi, tín dụng chính sách được thực hiện ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp những khó khăn gì, thưa ông ?

Tín dụng chính sách thực hiện tại những khu vực này đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn vẫn còn hạn chế. Cho nên rất nhiều vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn cho người dân, trong đó có người nghèo. Chúng tôi đi giám sát ở Tây Nguyên bà con ở đó cho biết để có vốn trồng cây công nghiệp thì mức vay phải là 100 triệu đồng, thậm chí có thể nhiều hơn, nhưng mức vay tối đa theo kênh cho vay ưu đãi đối với người nghèo còn thấp, đây cũng là một khó khăn.

Khó khăn thứ hai là do địa bàn miền núi cho nên thu hút đầu tư, thu hút các doanh nghiệp vào những vùng này gặp nhiều rào cản. Số lượng doanh nghiệp đến đầu tư tại các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn rất là thấp. Cho nên tín dụng phục vụ cho việc triển khai dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ đối với bà con cũng khó khăn.

Khó khăn thứ ba đó là về ngôn ngữ. Thực tế đi giám sát cho thấy ở một số vùng hầu hết các tài liệu thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi đều được thực hiện bằng tiếng phổ thông. Trong khi đó, rất nhiều vùng người dân ở đó không biết tiếng, không biết chữ phổ thông, chúng ta lại chưa dịch được sang tiếng dân tộc thiểu số để cho bà con có thể nắm được thông tin.

Ngoài ra, vẫn còn có những khó khăn khác như phong tục tập quán, nếp nghĩ. Tuy đã có những tiến bộ hơn trước nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình không biết vay vốn về làm gì? Trong khi rất nghèo nhưng lại không vay vốn. Ở đây cũng gắn liền với một đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta là chất phát, nghĩ đến vay vốn là nghĩ đến trả nợ rồi mà chưa xác định được cách làm ăn, chưa xác định được cách để phát huy hiệu quả đồng vốn là không vay. Đây cũng là những khó khăn đặt ra.

Để đồng vốn tín dụng phát huy hiệu quả đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, trong khi đó trình độ hiểu biết, nhận thức của bà con nơi đây còn hạn chế. Có thể nói vai trò của các cán bộ NHCSXH nơi đây là quan trọng. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Qua giám sát chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ NHCSXH trong việc kịp thời đưa đồng vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ NHCSXH còn là những tuyên truyền viên, những người hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Cán bộ NHCSXH thực sự đi sâu đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những khó khăn, những vướng mắc của bà con để cùng tháo gỡ.

Một điểm nữa chúng tôi đánh giá cao, đó là mô hình hoạt động của NHCSXH đã phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Cách thức cho vay của NHCSXH là ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Với cách làm này, cán bộ tín dụng không những nâng cao được vai trò trách nhiệm của mình mà cán bộ hội, đoàn thể ở cơ sở cùng vào cuộc, phát huy được thế mạnh trong công tác dân vận, kiểm tra giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay. Vì thế, chúng tôi thường nói với nhau rằng “em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ” rất phù hợp với những cán bộ NHCSXH.

Có thể nói tín dụng chính sách là một trong những trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững của đất nước. Vậy, ông có đề xuất gì với NHCSXH?

Dựa trên kết quả giám sát, ngày 24/6/2014 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Trong đó, xác định tín dụng ưu đãi để giảm nghèo là một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo. Chúng tôi đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, trực tiếp là hệ thống NHCSXH cần có những giải pháp cụ thể để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra. Đó là nghiên cứu điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất và thời hạn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, cần tập trung ưu tiên cho vay ở các vùng đặc biệt khó khăn để có thể từng bước tháo gỡ và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình Quốc hội đã tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 như đã nêu.

Chúng tôi cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động hơn nữa để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ nhanh hơn với thủ tục đơn giản hơn. Mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương cố gắng thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo địa chỉ, xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ để NHCSXH giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu của hộ vay, từ đó sẽ phát huy được hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.

Xin cảm ơn Phó Chủ nhiệm!

Văn Thăng thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác