Làm giàu từ vốn vay ưu đãi

09/02/2015
(VBSP News) Dưới cái lạnh căm căm cùng những cơn mưa bụi gọi Xuân về, chúng tôi có dịp cùng cán bộ NHCSXH tỉnh Yên Bái đến thăm những hộ gia đình sử dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi ở huyện Yên Bình. Trong đó, ấn tượng nhất với câu chuyện làm giàu của vợ chồng anh Ngô Hồng Hải và chị Nguyễn Thị Hồng.
Gia đình anh chị Hải Hồng vay vốn chăn nuôi gia súc, gia cầm

Gia đình anh chị Hải Hồng vay vốn chăn nuôi gia súc, gia cầm

“Hai vợ chồng cùng sinh năm 1961, cầm tinh con trâu, ai cũng bảo “nằm duỗi mà ăn”, nhưng để có được điều đó, vợ chồng tôi phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả”, anh Hải tâm sự. Sinh ra và lớn lên ở xã thuần nông nghèo khó của huyện Yên Bình nên ngay từ nhỏ, anh đã quen với cuộc sống vất vả, cực nhọc của nhà nông. Có lẽ vì thế mà dù gặp nhiều khó khăn, anh Hải vẫn xem như là một trải nghiệm sâu sắc.

Như bao thanh niên khác ở thời kỳ đó, năm 1978, anh hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1985, anh về phục viên tại quê nhà. Người lính vào sinh ra tử lại bắt đầu vươn lên trong cuộc sống, không chịu khuất phục trước bất cứ khó khăn nào. Với quyết tâm cho “đất nở hoa”, anh tìm tòi các giống cây - con phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Cũng thời điểm này (năm 1985), những dự định cho tương lai của anh càng có thêm động lực để thực hiện khi anh kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Hồng. “Có lẽ cả hai cùng tuổi nên cùng chí hướng”, anh Hải nói.

Từ đó, hai vợ chồng anh lập nghiệp với đồng vốn ít ỏi. Lúc đầu, anh thử nghiệm chăn nuôi 1 - 2 con lợn nái giống, đầu tư trồng lúa, mỗi vụ thu hoạch được 1,5 - 2 tấn thóc nhưng kinh tế gia đình vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Thử nghiệm “công thức làm giàu” với nhiều mô hình, từ làm lúa, ngô, sắn, trồng chè, quế…, cuối cùng bén duyên với nghề nuôi gà ri và lợn thịt. “Nói có thể không ai tin nhưng sự thật đây là một cơ duyên với vợ chồng chúng tôi. Chuyện là vào khoảng năm 2006 - 2007, tôi được một người bạn thân ở Hà Tây (cũ) lên mời đám cưới, điều ngạc nhiên nhất là cuộc sống của bạn mình rất khấm khá, thậm chí có cả ô tô riêng sang trọng. Vừa thán phục, tôi vừa lân la hỏi cách làm giàu của bạn”, anh kể lại.

Tại đây, anh được bạn cho đi tham quan các mô hình kinh tế trang trại về nuôi lợn, gà, được chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc từng loại vật nuôi. Sau quá trình tìm tòi học hỏi, anh mạnh dạn về bàn với vợ đầu tư lớn. Thế rồi, năm 2007, anh chị khởi nghiệp với 500 con gà ri và gặt hái được thành công bước đầu. Những tưởng “đầu xuôi đuôi lọt” nhưng mới chạm đến thành công thì năm 2008, trong trận lụt lịch sử, tất cả gia sản của anh đều đi theo những cơn sạt lở và nước lũ dâng cao. Trắng tay, lúc này hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà mặn chát trong lòng.

Không gục ngã, anh động viên vợ tìm cách khắc phục khó khăn, làm lại từ đầu. Thời gian này khó khăn chính là vốn đầu tư, vừa tu sửa lại nhà cửa bị bão lũ cuốn trôi, vừa dựng lại chuồng trại. Anh như người chết đuối vớ được cọc khi tiếp cận vốn của NHCSXH (năm 2008) với mức 30 triệu đồng cho hộ nghèo. Với số tiền này, anh đầu tư mua lợn nái và mua gà.

Không phụ lòng người, gia đình anh đã gặt hái được những thành công từ mô hình chăn nuôi này. Nhận thấy thế mạnh của nó, với số tiền có được từ lứa gà vừa xuất, năm 2009, anh chị đầu tư mua 2.500 con gà về nuôi. Nhưng ông trời dường như vẫn chưa ngừng thử thách vợ chồng anh, lứa gà đang thời kỳ xuất chuồng thì lại thất bại do dịch bệnh hàng loạt. Ngậm ngùi nhìn đàn gà chết dần mà không biết cách chữa, anh chị một lần nữa như ngã quỵ hoàn toàn.

Lúc này, bản lĩnh người lính cụ Hồ trong anh lại trỗi dậy. Nhận ra hạn chế của mình về cách phòng trừ bệnh, anh mạnh dạn bỏ tiền đi học hỏi bạn, rồi tham gia lớp học kỹ thuật chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc. Cũng từ đây, anh không còn gặp rủi ro nữa khi trở thành “bác sỹ” thú y chăm sóc trực tiếp cho đàn gà, lợn của mình, thành công cuối cùng cũng đến.

Có của ăn của để và đầu tư cho con cái học hành, khi đã tích góp được số tiền kha khá, năm 2013, anh chị đầu tư xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhấp ly trà nóng hổi giữa cái rét ngọt, anh chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm xương máu trong chặng đường làm giàu của mình. “Nếu trước đây thị trường trong nước bị ảnh hưởng bởi gà nhập lậu từ Trung Quốc thì những năm gần đây giá cả đã ổn định, dễ tiêu thụ hơn, giá ở mức 70.000 - 100.000 đồng/kg. Điều đó có được nhờ công tác quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, mối liên kết “4 nhà” vẫn chưa hiệu quả. Gia đình tôi vẫn phải tự tìm đầu mối tiêu thụ, chưa có doanh nghiệp nào ký hợp đồng cung cấp hay bao tiêu sản phẩm”, anh Hải nói.

Thời kỳ anh thành công với con gà, con lợn cũng là lúc nhím “lên ngôi”. Anh cũng được một số người bạn giới thiệu đầu tư vào con nuôi đặc sản này. Nhưng sau quá trình đi tìm hiểu, anh nhận ra một điều, “đây chỉ là chiêu bài bán con giống” nên quyết định không đầu tư. Anh phân tích: “Một đôi nhím nhỏ giá lên tới 30 triệu đồng, bằng cả con trâu, con bò mà đầu ra vẫn bấp bênh. Trong khi lợn, gà không bao giờ sợ ế vì nhân dân bao giờ cũng cần lượng thịt tiêu thụ hàng ngày”.

Kiên trì với mô hình đã chọn, anh Hải đã thành công, có điều kiện nuôi hai con ăn học đầy đủ, gia đình có của ăn của để, trong chuồng lúc nào cũng có hàng nghìn con gà thịt và gần 100 con lợn. Chia sẻ với chúng tôi về thành quả của mình, anh phấn khởi: “Gia đình tôi có được ngày hôm nay, ngoài sự phấn đấu của bản thân thì vai trò của NHCSXH trong việc hỗ trợ vốn cho những người nông dân như chúng tôi là không nhỏ. Nếu được hỗ trợ hơn nữa về vốn từ NHCSXH, chúng tôi đảm bảo nguồn vốn sẽ sinh lời và hạn chế rủi ro”. Nói về tương lai, anh Hải cho biết, thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đàn gà, lợn.

Mùa xuân mới đang về với đất trời, xin chúc cho những dự định của gia đình anh Hải, chị Hồng và khát vọng làm giàu của nông dân khắp mọi miền đất nước thành hiện thực.

Bài và ảnh Nhất Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác