Góp sức tạo bước đột phá về an sinh xã hội

28/01/2015
(VBSP News) Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Lã Thị Hồng Yến, cho biết: Năm qua, toàn lực lượng cán bộ làm công tác tín dụng chính sách từ vùng dân tộc miền núi Nho Quan đến các làng quê công giáo ven biển Kim Sơn đã nỗ lực chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến tập tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội toàn địa bàn.
Vay được vốn chính sách, nông dân thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) làm giàu từ nuôi dê

Vay được vốn chính sách, nông dân thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) làm giàu từ nuôi dê

Nhờ chú trọng huy động, khai thác tốt nguồn vốn trong cộng đồng dân cư và nguồn vốn tài trợ ngân sách tại địa phương được gần 60 tỷ đồng, nên đến hết năm 2014, chi nhánh đã cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn với tổng dư nợ đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 20,4 tỷ đồng so với năm 2013 với 98.187 hộ đang dư nợ. Cùng với đó, chi nhánh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp phù hợp đảm bảo công tác giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đúng địa chỉ và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình vay vốn, sử dụng vốn cũng như trả lãi, trả nợ như: đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn theo chủ điểm và theo từng chương trình tín dụng ưu đãi; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp rà soát, bổ sung danh sách các đối tượng thuộc diện vay vốn, giải quyết nhanh việc nâng mức vay, hạ lãi suất theo quy định mới đối với một số chương trình tín dụng ưu đãi… Nhờ đó, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: vay vốn chính sách, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

Gia đình chị Đinh Thị Giang ở thôn 8 xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tuy đất đai rộng nhưng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn chẳng thể lo đủ miếng cơm cho gia đình. Xác định không thể cứ sống mãi như vậy, năm 2011, khi địa phương có chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chị Giang đã bàn bạc với chồng là anh Lưu Văn Thịnh quyết định vay vốn chính sách để sản xuất. Với số tiền 25 triệu đồng được vay từ NHCSXH, anh chị còn mạnh dạn vay thêm tiền của chị em bè bạn mua giống cây, phân bón, cải tạo ruộng đồng để trồng các loại rau, quả sạch. Với bản tính cần cù, chị Giang đã tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do Hội Phụ nữ và Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức. Sau thời gian nỗ lực, đến mùa xuân này, mỗi vụ thu hoạch trừ chi phí, gia đình chị thu lãi ngót nghét 100 triệu đồng từ 9 sào rau xanh các loại và 4 sào cà chua hồng không hạt. Hiện chị Giang không chỉ trả hết vốn vay ngân hàng mà còn là người đi tiên phong trong phong trào phụ nữ sản xuất giỏi, giúp nhau xóa nghèo của xã Thượng Kiệm.

Hay như gia đình ông Lương Văn Tích ở thôn Đồng Quy, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư cũng là hộ sử dụng vốn vay chính sách để vươn lên thoát nghèo. Với số tiền vay 30 triệu đồng vay của NHCSXH, ông đã đầu tư chăn nuôi 5 con lợn nái, 20 con lợn con và trồng 3 sào ớt, bí xanh, cộng với hàng ngày chăm chỉ đi thu gom, vận chuyển rau xanh của bà con trong xã để giao bán cho các cửa hàng trên thành phố. Trừ chi phí mỗi năm, ông Tích còn thu lãi 50 triệu đồng/năm. Năm ngoái, gia đình ông được xóa khỏi danh sách hộ nghèo, lại xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang.

Đó chỉ là 2 tấm gương tiêu biểu trong rất nhiều hộ gia đình nghèo ở tỉnh Ninh Bình đã thoát nghèo trong năm 2014 nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của xã hội, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nguồn vốn ưu đãi. Nhiệm vụ trong năm 2015, NHCSXH tỉnh Ninh Bình sẽ đáp ứng nhu cầu vốn vay dành cho các đối tượng chính sách nhằm góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác