Yên Thái với mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách”
Thời gian bắt tay vào thực hiện mô hình từ tháng 4/2014, xã Yên Thái gặp nhiều khó khăn như năng lực cán bộ hội, đoàn thể nhận dịch vụ uỷ thác và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn còn yếu, chưa nắm vững các quy trình, thủ tục lập hồ sơ vay vốn; việc thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm cũng như công tác tuyên truyền chính sách chế độ cho người vay chưa được chú trọng thường xuyên. Đặc biệt, số hộ vay vốn để quá hạn trả nợ, chậm trễ nộp lãi vẫn diễn ra ở tất cả các thôn, bản trong xã.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, đối chiếu với mục đích yêu cầu, cụ thể là với 11 tiêu chí của mô hình, lại được NHCSXH huyện trực tiếp chỉ đạo cùng sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp và các Tổ tiết kiệm và vay vốn, một loạt giải pháp đồng bộ được áp dụng nhằm chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng và nâng cao chất lượng tín dụng.
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn xã Yên Thái đã có chuyển biến rõ rệt. 100% hộ vay vốn đúng đối tượng, tất cả 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội, đoàn thể quản lý không còn nợ quá hạn, nợ khoanh. Qua kiểm tra, các hộ dân đều chấp hành việc trả lãi hàng tháng đầy đủ. Hiện tượng nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng hay vay ké, vay hộ cũng chấm dứt. Đáng mừng là những cán bộ hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác đã nắm vững quy trình, quy định vay vốn chính sách và công tác bình xét cho vay vốn được kiểm soát chặt chẽ, đúng đối tượng. Chị Lục Thị Dung - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Quãi Trong, cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông báo có vốn chính sách, Tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét, có mặt cả trưởng thôn, và đại diện Hội Phụ nữ xã để đảm bảo công khai, dân chủ; đồng thời còn hướng dẫn các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả”.
Qua thực hiện mô hình xã điểm về tín dụng chính sách ở Yên Thái, năng lực của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng cao cùng sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể đã làm cho đồng vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả hơn. Đơn cử như chị Đặng Thị Tấm, dân tộc Dao ở thôn Đồng Bành đã sử dụng 30 triệu đồng vay của NHCSXH huyện đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản và trồng chè sạch. Nhờ chăm sóc phòng trừ dịch bệnh chu đáo, nên 2 con trâu béo khoẻ, đồi chè xanh tốt, làm cho kinh tế gia đình chị khá giả, thoát hết nghèo khó cuối năm qua còn xây được 3 gian nhà ở vững chắc để kịp đón xuân, ăn Tết Ất Mùi 2015.
Cùng ở xã Yên Thái với chị Tấm, CCB Nguyễn Quốc Khánh mới ngày nào kinh tế rất khó khăn, nhà có đất ruộng và bãi cỏ chăn thả trâu bò nhưng lại thiếu vốn trầm trọng. Cách đây 3 năm, CCB Khánh đã tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bơm, được vay vốn chính sách thuận lợi đầu tư nuôi bò cày kéo và trồng quế. Có NHCSXH làm “bà đỡ” mát tay, CCB già Nguyễn Quốc Khánh đã ăn nên làm ra, phát triển trang trại VAC tổng hợp với 2ha quế, cùng đàn bò 8 con, đã có tiền trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ.
Đến mùa xuân này, trên vùng cao Yên Thái người nghèo và các đối tượng chính sách đã có 12 năm tiếp cận tới hơn 11 tỷ đồng vốn chính sách và đây cũng là năm đầu tiên thực hiện mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách”. Bước vào năm mới 2015, với sự giúp đỡ, chỉ đạo trực tiếp của NHCSXH huyện và sự vào cuộc thật sự của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể địa phương, tin rằng nguồn vốn chính sách chắc chắn được phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Xuân sớm trên rẻo cao Chiềng Sơn
- » Hiệu quả từ đồng vốn ưu đãi
- » Tiếp sức cho người nghèo
- » Mang niềm vui đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Nguồn vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Lào Cai
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
- » Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Quỳnh Phụ với nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Bình Liêu phát huy nội lực thoát nghèo