Bình Liêu phát huy nội lực thoát nghèo

14/01/2015
(VBSP News) Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để vươn lên làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Tận dụng thiên nhiên nuôi cá nước chảy là một trong những thế mạnh của nông dân Bình Liêu

Tận dụng thiên nhiên nuôi cá nước chảy là một trong những thế mạnh của nông dân Bình Liêu

Bình Liêu là huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh, với số dân trên 8 vạn người, phần đông (96%) là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua các Chương trình 134, 135, 30a, xây dựng nông thôn mới, vốn vay ưu đãi của NHCSXH cùng với nhiều chính sách về y tế, giáo dục, đời sống đồng bào các dân tộc đã có nhiều thay đổi.

Phó Chủ tịch HĐND xã Đồng Văn Hoàng Văn Bình, chia sẻ: “Trước kia đồng bào Dao nghèo lắm, chỉ đi đào củ mài, củ măng rừng và vào rừng khai thác gỗ về bán. Từ khi có chính sách hỗ trợ xã nghèo, huyện nghèo phát triển kinh tế, huyện đã cử cán bộ về tận thôn, bản “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn nâng cao kiến thức canh tác, người dân tộc chúng tôi đã chủ động vươn lên thoát nghèo”.

Trên phạm vi toàn huyện, bà Hoàng Thị Nghị - Trưởng ban Dân tộc huyện Bình Liêu, khẳng định: Kể từ khi có dự án làm tuyến đường vành đai biên giới được triển khai trên địa bàn, đã tạo ra những thời cơ mới để huyện có điều kiện xây dựng nhiều tiểu dự án làm các tuyến đường xương cá vào tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa như đường lên bản Phai Lầu, Pạt Chỉ thuộc xã Đồng Văn; Trình Tường, Nà Sa (xã Đồng Tâm)… Đây là những thôn, bản vốn biệt lập với bên ngoài dẫn đến sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp, sản xuất hàng hóa còn xa lạ đối với đồng bào. Từ khi hệ thống giao thông được mở vào tận trung tâm các thôn, bản đã mở ra bước đột phá mới, đưa sản xuất tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Cùng với mở đường, hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm xá… cũng được triển khai, tạo điều kiện cho nhân dân dễ dàng tiếp thu và vận dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học vào sản xuất, chăn nuôi.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, 3 năm qua huyện Bình Liêu đã được đầu tư trên 430 tỷ đồng (chủ yếu nguồn vốn ngân sách Nhà nước) cơ sở hạ tầng được tiếp tục đầu tư với nhiều bể và hệ thống nước sạch cho các xã; kiên cố hóa 16 công trình thủy lợi, gần 18,7km kênh mương; tiếp nhận 700 tấn xi măng của chương trình hỗ trợ các thôn, bản khu dân cư làm đường giao thông giai đoạn 1 và đã hoàn thành được 5,3km…

Ngoài những cây truyền thống như hồi, quế, hiện nay, bằng chính sách khuyến lâm phù hợp của huyện, nông dân Bình Liêu đã chuyển sang trồng keo. Theo Trưởng ban Dân tộc huyện Hoàng Thị Nghị, cây keo không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mà còn giúp cuộc sống của bà con các dân tộc ngày một khá hơn. Để bà con có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tạo điều kiện cho nông dân vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, vốn vay giải quyết việc làm. Đến nay, Bình Liêu đã có 3.468 hộ nghèo vay gần 80 tỷ đồng của NHCSXH và hàng chục dự án từ nguồn vốn vay GQVL, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tập trung chủ yếu vào trồng rừng nguyên liệu, phát triển chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ…

Diện mạo kinh tế - xã hội của huyện Bình Liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm mạnh sau mỗi năm. Theo kết quả rà soát năm 2013, tổng số hộ thoát nghèo tuyệt đối của huyện là 369 hộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16,56%, đạt mục tiêu kế hoạch là giảm 6,5% theo Nghị quyết HĐND huyện.

Bài và ảnh Thiện Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác