Ngày hẹn cho vay vốn hộ nghèo

06/01/2015
(VBSP News) Theo lời hẹn từ nhiều ngày trước, vừa qua chúng tôi có dịp đi cùng các cán bộ NHCSXH huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đi giao dịch tại xã Quảng Đức, một trong 4 xã đặc biệt khó khăn của huyện. Anh Nông Tiến Chức - Trưởng đoàn công tác kiêm lái xe, tâm sự: “Mỗi tháng, ngân hàng đều có một ngày hẹn cố định với người nghèo ở các xã, thị trấn. Thế nên, đúng lịch, không kể ngày lễ, ngày nghỉ, chúng tôi lại có mặt ở các Điểm giao dịch để giúp bà con vay vốn giảm nghèo...”.
Cán bộ NHCSXH huyện Hải Hà thực hiện giao dịch với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Điểm giao dịch xã Quảng Đức

Cán bộ NHCSXH huyện Hải Hà thực hiện giao dịch với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Điểm giao dịch xã Quảng Đức

“Đến hẹn lại… đi”

7h30’ sáng, tôi cùng 3 cán bộ ngân hàng khác có mặt tại trụ sở NHSXH huyện để “điểm danh”, nhận nhiệm vụ và vận chuyển thiết bị, máy móc lên xe. Do được thông báo Điểm giao dịch mất điện từ sáng sớm, nên ngoài máy tính, máy in, máy đếm tiền và két sắt, hôm ấy, chúng tôi còn mang theo cả máy phát điện. Ngày giao dịch ở Quảng Đức lần này rơi đúng vào ngày cuối tuần. Tuy nhiên, theo như các cán bộ ngân hàng, những lần giao dịch vào cuối tuần như vậy không phải chuyện hiếm.

Trên suốt chặng đường từ huyện đến UBND xã, các cán bộ ngân hàng kể cho tôi nghe về những ngày hẹn như thế trong năm. Anh Nông Tiến Chức, phụ trách Điểm giao dịch ở xã Quảng Đức, cho biết: Ngân hàng hiện có 4 cán bộ tín dụng, mỗi cán bộ đảm nhận phụ trách 4 xã, thị trấn trên địa bàn. Để giải ngân vốn và thu lãi các loại vốn vay, ngân hàng bố trí giao dịch tại các địa phương từ ngày 6 đến 21 hàng tháng. Mỗi xã chọn ra một ngày cố định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để tổ chức giao dịch. Vì vậy, cứ đến ngày đó, chúng tôi lại mang theo máy móc để giải ngân vốn hoặc thu lãi định kỳ.

Ngồi kế tôi, chị Hằng, nữ cán bộ tín dụng duy nhất trong đoàn, nhỏ nhẹ: “Theo đúng lịch cố định hàng tháng, nhiều đợt giao dịch trùng vào ngày nghỉ cuối tuần như thế này lắm. Thậm chí, có những đợt vào đúng ngày lễ, Tết nhưng bọn chị vẫn đi giao dịch bình thường em ạ. Đến hẹn lại… đi thôi.

Mặc dù hôm ấy là ngày nghỉ, nhưng người dân được thông báo, đã tập trung chật kín hội trường UBND xã từ sớm. Sau khi thu lãi, tiền gửi tiết kiệm và thu nợ của các hộ đến hạn, các cán bộ ngân hàng đã tổ chức họp giao ban với Ban giảm nghèo, đại diện các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để phổ biến các chủ trương, chính sách mới của chương trình vốn vay. Đồng thời, cán bộ thông báo nguồn vốn vay của từng thôn trong năm tới; trên cơ sở đó, các thôn bình xét các hộ gia đình để cho vay đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

Trợ lực của người nghèo

Bà Cao Thị Lừng ở thôn Tân Đức, phấn khởi cho biết, trước đây gia đình bà là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2006, vay được 5 triệu đồng từ chương trình vay vốn phát triển sản xuất của NHCSXH, bà đã mạnh dạn đầu tư trồng 5ha cây keo. Những năm tiếp theo, gia đình bà tiếp tục vay vốn đầu tư nuôi gà Đông Tảo và trồng chè địa phương. Một vài năm trở lại đây, mỗi năm gia đình bà bán gần 100 con gà Đông Tảo thương phẩm, 6 - 7 tấn chè tươi, tổng thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Gia đình bà đã thoát nghèo từ nhiều năm nay, có của ăn của để, tạo điều kiện cho con cái học hành…

Theo ông Tằng Quay Nàm - Chủ tịch Hội Nông dân xã, hiện Quảng Đức có 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 264 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn của 10 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ trên 5,6 tỷ đồng. Việc thực hiện giao dịch trực tiếp tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào nghèo, hộ cận nghèo, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Chính vì vậy, không riêng gia đình bà Lừng, nhiều hộ dân trong xã cũng đã thoát nghèo, tiếp tục vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như các hộ: Ông Chưởng Quay Chắn (thôn Nà Lý), ông Phù Chăn Phóng (thôn Nà Lý), ông Tằng Phúc Sìn (thôn Bản Mốc 13)… Tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Đức giảm dần từng năm; hiện là 28,83%, giảm 1,04% so với năm 2013.

Bà Vũ Kim Thanh - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hải Hà, cho biết: Thực hiện giao dịch ở xã rất có lợi cho người dân. Các thủ tục vay vốn đều do Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đảm nhận, người dân chỉ trực tiếp giao dịch với ngân hàng khi nhận tiền vay mới và trả nợ gốc. Đối với những đợt giải ngân vốn vay, sau buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng công khai kết quả hộ nào được vay mới chương trình gì, hộ nào đã trả hết nợ, hộ nào phải trả lãi trong tháng tới. Qua đó, các Tổ trưởng có thể kiểm tra, giám sát tổ viên nhằm hạn chế tình trạng cho vay sai đối tượng hoặc sử dụng vốn sai mục đích. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ, đồng hành cùng bà con phát triển sản xuất, nâng cao điều kiện sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

Theo Báo Quảng Ninh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác