Vay vốn được “khuyến mãi” kiến thức
Hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả
Năm 2014 sắp đi qua, với cán bộ NHCSXH tỉnh Sơn La thì đây là thời điểm “khép lại để mở ra những công việc mới, nhiệm vụ mới, nhằm hoàn thành nhiệm vụ ở mức tốt hơn, cao hơn năm trước”, như lời tâm sự của ông Đào Văn Nguyên - Trưởng phòng Tổ chức hành chính NHCSXH tỉnh. Ở miền núi vùng cao, thực hiện được 2 từ “hơn” đó thôi, cũng đã là thử thách không nhỏ rồi.
Chúng tôi đến với Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Mơ Tươi, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu. “Trụ sở” của tổ đặt tại gia đình ông Vì Văn Phúc. Bà con đang xúm quanh chiếc bàn gỗ, người ký nhận, người đối chiếu số liệu, người nộp tiền… Khi được hỏi chuyện, chị Hoàng Thị Linh, một người dân bản cho biết: “Hàng tháng, Tổ tiết kiệm và vay vốn chúng tôi đều thực hiện hoạt động này. Đây là ngày đóng lãi, nộp tiền tiết kiệm và cũng là ngày sinh hoạt của tổ chúng tôi. Những hộ vay vốn có thể yêu cầu Tổ trưởng cho mình kiểm tra lại những khoản tiền mà mình đã nộp, sắp phải nộp, thời hạn trả góp…”.
Ông Vì Văn Phúc chia sẻ thêm: “Không có đồng vốn của NHCSXH thì người nghèo ở bản Mơ Tươi này còn khó khăn nhiều đấy. Các hộ nghèo khi tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay những khoản tiền theo qui định mà hàng tháng còn được cán bộ ngân hàng đến tư vấn, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng vốn cho đúng mục đích và hiệu quả. Việc tư vấn này giống như hoạt động khuyến nông nhưng lại hiệu quả hơn vì nó sát với hoàn cảnh từng hộ và theo từng việc cụ thể. Ví dụ như tôi vay 30 triệu đồng để nuôi bò thì họ sẽ tư vấn mình nên mua 1 đôi bò cái hay mua 1 con đực và 1 con cái? Mua 1 con bò cái đang chửa hay mua 2 con bê… Họ phân tích cụ thể để mình nghe và chọn cách phù hợp nhất để làm. Vì thế, chúng tôi thường nói vui là vay vốn ngân hàng này còn được khuyến mãi thêm kiến thức”.
Đem lại nhiều tiện ích
“Các hộ nghèo khi tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay những khoản tiền theo qui định mà hàng tháng còn được cán bộ ngân hàng đến tư vấn, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng vốn cho đúng mục đích và hiệu quả”, ông Vì Văn Phúc cho hay. |
Không chỉ có ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay, mức vay hợp lý, đồng vốn NHCSXH còn đem lại cho người dân nhiều tiện ích khác. Anh Bạc Cầm Bình - Trưởng bản kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nang Cầu, xã Chiềng Khoang bảo, với người nghèo vùng cao, đồng vốn NHCSXH có “tình người” hơn nhiều đồng vốn thương mại khác, bởi nếu chẳng may anh vay vốn mua lợn mà bị dịch bệnh hoặc thời tiết làm chết, được xác định là đã cố gắng chăm sóc, cứu chữa nhưng không khỏi thì vẫn có thể khoanh nợ và vay thêm khoản vốn khác trong hạn mức được vay. Như thế, người vay vốn có thêm một cơ hội để vượt qua khó khăn. Còn bình thường, khi vay vốn, người vay luôn được tư vấn về sử dụng đồng vốn. Ai chịu khó lắng nghe, chịu khó nghĩ, chịu khó hỏi lại cho rõ thì họ biết thêm nhiều cái mới, cái hay về sản xuất hàng hóa, về kinh tế trang trại, về cách xóa nghèo, làm giàu… “Hơn 40 hộ ở bản này đã được vay vốn NHCSXH và đã có hơn chục hộ thoát nghèo là nhờ vậy đấy”, anh Bình chia sẻ.
Bài và ảnh Kiều Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Điện Biên
- » Giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Quảng Ngãi
- » Khi người nghèo có vốn ưu đãi
- » Điểm tựa cho bà con Khmer nghèo
- » Chương trình NS&VSMTNT: Cần mở rộng đối tượng cho vay
- » Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc
- » Hiệu quả từ những chương trình tín dụng ưu đãi
- » Ưu đãi vốn giúp đồng bào Chăm thoát nghèo
- » Giải bài toán thoát nghèo cho Đông Giang
- » Có vốn làm ăn, gia đình bớt lục đục