Giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Quảng Ngãi

24/12/2014
(VBSP News) Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi có nhiều khó khăn, trước đây là vùng căn cứ cách mạng, cũng là nơi sinh sống của trên 238 nghìn người dân tộc thiểu số được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ. Thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo ở 6 huyện miền núi đối với tỉnh không những là trách nhiệm chính trị - xã hội mà còn là tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ lão thành cách mạng và nhân dân tại nơi đã có nhiều hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong chiến tranh thống nhất đất nước cũng như giai đoạn hòa bình xây dựng Tổ quốc hiện nay.
Keo lá tràm - cây giúp thoát nghèo ở các huyện miền núi Quảng Ngãi

Keo lá tràm - cây giúp thoát nghèo ở các huyện miền núi Quảng Ngãi

6 huyện miền núi của Quảng Ngãi, gồm: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà và Minh Long, nhiều năm qua luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư lớn, như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững; Quyết định số 167 và các chính sách hỗ trợ khác…

Việc thực hiện lồng ghép các chính sách giảm nghèo đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế của hộ nghèo. Đến nay, 12.269 ngôi nhà cho các gia đình nghèo với tổng kinh phí trên 228 tỷ đồng đã được xây dựng; các địa phương của 6 huyện miền núi đã có 59/67 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và giao lưu hàng hóa; 67/67 xã có trạm y tế, trong đó có 6 trạm đạt chuẩn; trên 90% số hộ được dùng điện; 77% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 13 xã có chợ trung tâm…

Là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Quảng Ngãi, với 84% dân số là đồng bào H’re, thách thức trong việc giảm nghèo luôn là rào cản đối với chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ. Nhưng với truyền thống anh hùng không chịu khuất phục trước khó khăn, huyện đã tìm ra nhiều cách vượt qua rào cản. Bằng cách tận dụng tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH, tập trung xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, gồm trồng keo nguyên liệu, trồng mía và trồng mì. Các cây này không chỉ khai thác, cải tạo được nhiều diện tích đất trồng, thích hợp với thổ nhưỡng mà còn phù hợp với trình độ của người dân. Điển hình như gia đình ông Phạm Văn Mật ở thôn Nước Lá, xã Ba Vinh là một hộ nghèo. Năm 2006, được NHCSXH xét duyệt và cho vay 10 triệu đồng. Với quyết tâm xưa thắng giặc ngoại xâm, nay thắng giặc đói nghèo, gia đình ông đã cần cù lao động, khai hoang trên đất quê nhà. Từ số vốn vay ngân hàng, nay đã trả hết nợ, ông còn sở hữu đàn trâu 6 con, 5ha keo, 4ha mây, mía, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a, bộ mặt nông thôn 6 huyện nghèo miền núi Quảng Ngãi có nhiều thay đổi, tình hình giảm nghèo có những bước tiến khả quan, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm qua từng năm. Những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn sản xuất… với nhiều biện pháp thiết thực. Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan từ tỉnh đến cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung mục tiêu các chương trình, dự án, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến từng hạng mục công trình chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

Xây dựng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ để người dân chọn mô hình sản xuất phù hợp với các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương nhằm nhanh chóng cải thiện đời sống người dân và bảo đảm thoát nghèo bền vững, thường xuyên chống tái nghèo.

Bài và ảnh Bình Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác