Giải bài toán thoát nghèo cho Đông Giang

15/12/2014
(VBSP News) Theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 15/9/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 2%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn. Là 1 trong nhóm 6 huyện vùng cao nghèo khó nhất của tỉnh Quảng Nam, hàng năm huyện Đông Giang đều phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%/năm.
Nhiều hộ nghèo ở huyện Đông Giang thoát nghèo nhờ trồng chuối

Nhiều hộ nghèo ở huyện Đông Giang thoát nghèo nhờ trồng chuối

Số liệu từ UBND huyện cho biết, đến nay 100% số thôn, xã trên địa bàn huyện Đông Giang đã có công trình nước sinh hoạt, gần 100% số hộ sử dụng điện, 11/11 xã, thị trấn của huyện có đường ô tô về đến khu vực trung tâm. Để đạt được kết quả tích cực này, trong những năm qua huyện Đông Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn; các cơ chế, chính sách, dự án giảm nghèo đã được huyện triển khai đồng bộ, đầu tư hỗ trợ phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương.

Bí thư huyện ủy Đông Giang cho biết, lời giải cho bài toán “an dân” của đồng bào dân tộc thiểu số chính là tìm ra kế sinh nhai cả trước mắt lẫn lâu dài cho họ. Để tìm ra lời giải cho bài toán khó ở chốn “thâm sơn”, khi đã có kết cấu hạ tầng, huyện Đông Giang mạnh dạn lồng ghép các chương trình hỗ trợ, đầu tư trực tiếp vào sản xuất phục vụ cho đời sống đồng bào. Chiến lược “dài hơi” thoát nghèo cho bà con dân tộc thiểu số đã được địa phương xác định tập trung đầu tư mạnh cho chương trình “3 cây, 3 con” là: cây sâm, cây keo, cây chuối mốc và con bò, con dê, con heo. Thêm nữa, các loại cây trồng và vật nuôi này dễ đầu tư, nguồn tiêu thụ mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng miền núi, đem lại thu nhập cao và nhất là dễ thực hiện khi mà tập tục sản xuất của người dân còn nhiều lạc hậu. Thực hiện đạt hiệu quả mô hình “3 cây, 3 con” sẽ là hướng đi cho các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Đông Giang nói riêng trong việc trả lời câu hỏi: trồng cây gì, nuôi con gì để giúp dân xóa đói giảm nghèo?

Khi đã tìm được hướng đi, để giải bài toán thoát nghèo đòi hỏi chính quyền địa phương phải thay đổi nhận thức cho người dân bằng cách tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, chăn dắt hiện đại, hiệu quả; loại bỏ những tập tục canh tác, chăn nuôi lạc hậu ra khỏi đời sống sản xuất. Với tinh thần đó, cùng với nhiều chương trình, dự án khác về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2012, huyện Đông Giang xây dựng Đề án phát triển cây chuối hàng hóa giai đoạn 2012 - 2015 với tổng vốn đầu tư gần 16,1 tỷ đồng. Theo Đề án, đến năm 2015 toàn huyện trồng 700ha chuối, trong đó có 350ha trồng mới, 350ha cải tạo diện tích cũ. Phấn đấu đạt năng suất 25 - 30 tấn/ha, đạt giá trị 45 triệu đồng/ha.

Đến nay, toàn huyện Đông Giang có trên 450ha chuối chuyên canh, trong đó trên 300ha trồng tập trung. Qua gần 3 năm, dự án trồng chuối ở Đông Giang đã chứng tỏ hiệu quả - trồng chuối “đuổi nghèo”, bởi thu nhập cao gấp 8 - 10 lần so với các loại hoa màu khác. Chuối được xác định là cây trồng chủ lực thích nghi với địa hình miền núi Đông Giang.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện, hiện nay hội đang nhận ủy thác từ NHCSXH trên 45 tỷ đồng cho 3.209 hộ vay, thông qua 54 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, gần 1.000 gia đình trong huyện đã giảm nghèo nhờ chuối, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 47,9% năm 2012 xuống còn 42,11% năm 2013; thu nhập bình quân từ gần 5 triệu đồng tăng lên 8,94 triệu đồng/người/năm. Năm 2014, theo kế hoạch, huyện Đông Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 38%; giảm khoảng 85 hộ cận nghèo (tương đương 1,5%), đưa tỷ lệ hộ cận nghèo từ 8,5% xuống còn 7%. Chưa có số liệu tổng kết, nhưng từ thực tế niềm vui đã đến sớm với huyện Đông Giang.

Bài và ảnh Khánh Hồ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác