Có vốn làm ăn, gia đình bớt lục đục

12/12/2014
(VBSP News) “Đa phần bạo lực gia đình đều xuất phát từ yếu tố kinh tế, vì cuộc sống khó khăn dễ đẩy con người đến sự bế tắc và có những hành vi mất kiểm soát. Hội Phụ nữ đã xây dựng kế hoạch hành động phòng chống bạo lực gia đình bằng cách đẩy mạnh hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”. Đó là chia sẻ của chị Vàng Thị Thu - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mường Tè (Lai Châu).
Thông qua các buổi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay, tình trạng bạo lực gia đình ở Lai Châu sẽ giảm Ảnh: Quý Hưng

Thông qua các buổi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay, tình trạng bạo lực gia đình ở Lai Châu sẽ giảm
                                                                                                                                               Ảnh: Quý Hưng

Hướng tới các hộ có bạo hành

Vài năm trước, do cuộc sống gia đình túng quẫn, bế tắc, chồng chị Lỳ Nhó Xá ở xã Mường Tè, luôn buồn chán, ngập trong rượu chè. Mỗi lần rượu say, anh thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ. Hội Phụ nữ xã, bản cùng chính quyền đã phải vào cuộc yêu cầu chồng chị Xá chấm dứt hành vi bạo lực đối với vợ và phải bỏ rượu. Sau hàng tháng trời đi lại vận động, chồng chị Xá đã tỉnh ngộ và chăm chỉ làm ăn hơn trước. Cùng với đó, hội đã đứng ra tín chấp để vợ chồng chị vay NHCSXH được 5 triệu đồng, mua đôi lợn giống phát triển kinh tế gia đình. Giờ thì gia đình chị Xá đã yên ấm trở lại.

“Tính đến nay, Hội Phụ nữ huyện Mường Tè đã phối hợp với NHCSXH huyện kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ủy thác với tổng số gần 1.400 hộ tại các xã: Mường Tè, Nậm Khao, Bum Tở, Vàng San, Thu Lũm và thị trấn Mường Tè vay vốn, tổng dư nợ trên 36 tỷ đồng”.

Chị Thu cho biết: Với đồng bào vùng cao thì tư tưởng gia trưởng, độc đoán trong gia đình vẫn nặng nề. Người đàn ông tự coi mình là chủ gia đình trong mọi lĩnh vực nên luôn có tư tưởng áp đặt cho vợ con. Vì vậy mà nhiều vụ bạo hành với phụ nữ trên địa bàn đã xảy ra. Năm 2013, Hội Phụ nữ huyện đã xây dựng kế hoạch hành động phòng chống bạo lực gia đình bằng việc đẩy mạnh việc hỗ trợ vay vốn cho các hội viên phát triển kinh tế. “Chúng tôi lên danh sách rà soát các hộ nghèo và hộ cận nghèo, những hộ gia đình có nguy cơ cao về tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn để cho vay vốn từ nguồn vốn NHCSXH do Hội Phụ nữ quản lý, sau đó hướng dẫn họ cách thức sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả”, chị Thu cho biết.

Sử dụng hiệu quả đồng vốn

Nhờ được vay vốn và được hỗ trợ về phương thức sản xuất, một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhỏ bước đầu có hiệu quả. Chị Điềm Lứ ở bản Thu Lũm, xã Thu Lũm kể: “Hồi đầu năm, nhà mình được Hội Phụ nữ xã đứng ra bảo lãnh để vay vốn từ NHCSXH 5 triệu đồng, vợ chồng mình mua lợn, gà giống về nuôi. Từ 2 con lợn ban đầu bây giờ nhà mình đã có được 4 con. Mình sẽ tiếp tục cố gắng chăm sóc để nhân rộng đàn lợn. Giờ vợ chồng vui vẻ, hoà thuận hơn rồi”.

Qua hơn 1 năm thực hiện hành động phòng chồng bạo lực gia đình bằng cách hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn Mường Tè có chiều hướng giảm hẳn. Theo thống kê, năm 2014 toàn huyện đã không xảy ra một vụ bạo lực gia đình nào. Điều này đã minh chứng cho việc dùng đồng vốn hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên và khẳng định hướng đi đúng đắn, thiết thực trong việc góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của nam giới trong bình đẳng giới, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Theo San Nguyễn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác