“Khát vốn” xây dựng công trình nước sạch

08/12/2014
(VBSP News) So với nhu cầu hộ dân cần vay để làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) ở khu vực nông thôn thì vốn chỉ mới đáp ứng được 50%. Hiện, không chỉ có hộ dân vùng nông thôn có nhu cầu vay vốn làm công trình nước sạch mà cả đối với những hộ dân sinh sống ở các tuyến kênh, rạch nhưng thuộc địa bàn thị trấn.
Nhiều hộ gia đình ở Hậu Giang mong mỏi được tiếp cận vốn vay để bắc đường ống dẫn nước sạch về dùng

Nhiều hộ gia đình ở Hậu Giang mong mỏi được tiếp cận vốn vay để bắc đường ống dẫn nước sạch về dùng

Chỉ đáp ứng 50% nhu cầu

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có có 37.500 hộ vay vốn Chương trình NS&VSMTNT với tổng dư nợ 214,5 tỷ đồng. So với yêu cầu mới chỉ đáp ứng khoảng 50%. Kế hoạch của năm 2015, NHCSXH tỉnh sẽ đề nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn khoảng 60 tỷ đồng để cho vay mới, cải tạo gần 13 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Hậu Giang, hiện còn nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực nông thôn đang sử dụng nguồn nước từ kênh, sông, rạch có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, nhà tiêu. Đối với Chương trình tín dụng NS&VSMTNT, đến nay chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu hộ dân nông thôn của toàn tỉnh. Nhu cầu nhiều nhất tập trung ở huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và một phần của thành phố Vị Thanh.

Giám đốc NHCSXH huyện Vị Thủy Nguyễn Quốc Cường, nhận xét: Hiệu quả của Chương trình NS&VSMTNT mang lại cho người dân rất cao, đặc biệt là những vùng ô nhiễm. Các xã bức xúc rất nhiều về nhu cầu vốn vay, nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng đủ khả năng, chỉ có từ 30 - 40% hộ dân được vay vốn. Hiện nay, địa bàn huyện còn khu dân cư vượt lũ Vị Đông có nhu cầu vay để làm công trình nhà vệ sinh, còn địa bàn ấp 4, 5 và thị trấn Nàng Mau thì nhu cầu vay làm công trình nước sạch.

Còn tại huyện Châu Thành A có 4.920 hộ còn dư nợ, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu của người dân nông thôn. Lãnh đạo NHCSXH huyện Châu Thành A, cho biết: Theo các đơn vị báo lên, nhu cầu cần vay trong năm 2015 là 15 tỷ đồng, với số này thì đáp ứng thêm 20% nhu cầu của hộ dân.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp Nguyễn Vũ Trường, cho hay: Trên địa bàn xã còn 200 hộ nằm trên địa bàn ấp Tân Long B, kênh Xẻo Trầu không có nước sạch sử dụng, chủ yếu hộ dân dùng nước lấy từ sông lên. Do đó, xã cần sự quan tâm đầu tư công trình nước sạch để cho hộ dân có nước sử dụng, cũng như quan tâm đến hộ dân có nhu cầu xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn.

Nên mở rộng khu vực cho vay

Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nàng Mau, Trần Thị Phấn cho biết: Do bị giới hạn quy định đối tượng cho vay đối với địa bàn thị trấn nên trong tổng số 647 hội viên phụ nữ thị trấn Nàng Mau, hiện có tới 420 hộ sinh sống trong vùng không có trạm cấp nước đi qua và hiện có nhu cầu vay vốn. Để đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch và xây dựng nhà vệ sinh, Hội Phụ nữ thị trấn kiến nghị Chính phủ nên mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ dân sinh sống ở khu vực thị trấn.

Theo Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 5 Nguyễn Hồng Bãnh, cho biết, trong tổ hiện có 10 hội viên có nhu cầu vay vốn để xây dựng bể nước, nhà vệ sinh tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn sử dụng và bảo vệ môi trường. Bà Hồ Thị Đa ở ấp 5, tâm sự: “Gia đình thuộc hộ nghèo nên dù có đường ống nước đi ngang qua, nhưng không có tiền vào đồng hồ nước. Mọi sinh hoạt của 7 thành viên trong gia đình đều sử dụng từ nước sông. Còn nhà vệ sinh cũng không có. Mong muốn lớn nhất của gia đình là được vay tiền để xây dựng bồn chứa nước và nhà vệ sinh để dùng”.

Tại huyện Châu Thành A, do ảnh hưởng quy định cho vay đối với khu vực thị trấn nên có 2.000 hộ dân sinh sống ở thị trấn nhưng điều kiện tương đồng với khu vực nông thôn đang cần vốn để đầu tư công trình nước sạch. Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều, cho rằng: Khó khăn lớn nhất hiện nay của chương trình tín dụng này là đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực địa bàn phường và thị trấn. Vì theo quy định, hộ dân thuộc 2 khu vực này không nằm trong diện được vay vốn. Mặc dù nằm trên địa bàn phường, thị trấn nhưng đặc điểm của hộ dân nơi này không sinh sống tập trung tại trung tâm như các tỉnh, thành phố lớn mà chủ yếu sống cặp theo các tuyến sông, kênh, rạch nên đường ống cung cấp nước sạch của Công ty cổ phần cấp thoát nước - công trình đô thị Hậu Giang và trạm cấp nước mini của Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh chưa có đường ống dẫn tới nơi. Những khó khăn trên đã ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước sạch và việc giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ dân. Những bất cập này, NHCSXH tỉnh có đề xuất với UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn địa phương để cho vay đối với khu vực thị trấn, phường không thuộc địa bàn nông thôn.

Bài và ảnh Thanh Xoàn - Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác