Chung sức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
Nhờ có sự tham gia của chính quyền cơ sở đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách được tốt hơn, thể hiện như tỷ lệ hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn từ 70% lên 80%, tỷ lệ thu lãi từ 90% lên 98%, nguồn vốn tín dụng đến với người dân nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời. Công tác thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng, nợ bị chiếm dụng, công tác xử lý nợ rủi ro được quan tâm, xử lý kịp thời. Thông qua các buổi sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, Chủ tịch UBND xã đã chủ động tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án vào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề với việc sử dụng vốn tín dụng; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để hộ vay tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Từ những hoạt động trên đã tạo sự lan tỏa, lôi cuốn các hộ gia đình vay vốn tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… làm quen với sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Ông Phùng Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh, huyện Thường Xuân, cho biết: xã còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng với 4 dân tộc sinh sống là Thái, Thổ, Mường, Kinh. Trước kia, việc nắm bắt tình hình, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra công tác tín dụng chính sách trên địa bàn xã chưa thực sự sâu sát, vẫn còn tình trạng vay vốn sai đối tượng, sai mục đích đầu tư, vay ké,… Từ những tồn tại, hạn chế này, tôi đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể địa phương gắn kết chương trình tín dụng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 1,25% xuống còn 0,3%.
Do có sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu chính quyền cấp xã nên công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với NHCSXH chặt chẽ hơn. Từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn giảm, Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém đã kịp thời củng cố, các chủ trương chính sách mới được triển khai kịp thời đến Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhân dân trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 7.000 tỷ đồng với hơn 120 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Công tác thu hồi nợ quá hạn đã có chuyển biến rõ rệt, nợ quá hạn chỉ còn 0,36% tổng dư nợ. Chất lượng hoạt động của các xã trong tỉnh chuyển biến đồng đều hơn, toàn tỉnh có 64 xã không có nợ quá hạn và chỉ còn gần 20 xã phải xây dựng phương án nâng cao chất lượng tín dụng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện ở Thanh Hóa cũng còn những khó khăn cần khắc phục, như: Chủ tịch UBND cấp xã sau khi đã bổ sung vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện có sự thay đổi vị trí công tác do luân chuyển cán bộ nên thành viên dự họp có sự thay đổi, dẫn đến công tác chỉ đạo, quản lý tín dụng chính sách chưa xuyên suốt, việc khắc phục tồn tại thiếu kịp thời dẫn đến hiệu quả chưa cao. Chủ tịch UBND xã phải kiêm nhiệm nhiều công việc, thường xuyên phải tham dự nhiều cuộc họp nên việc triển khai nhiệm vụ của Ban đại diện HĐQT NHCSXH đôi lúc chưa kịp thời. Tại một số địa phương chưa kiện toàn Ban giảm nghèo cấp xã, Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH, Phó Chủ tịch UBND là Trưởng ban giảm nghèo xã dẫn đến chưa đồng nhất trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.
Để việc bổ sung Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đem lại hiệu quả tích cực, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Chủ tịch UBND cấp xã; quy định rõ chế độ và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cấp cơ sở để giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách. Cần gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, Chủ tịch UBND xã cần tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện chỉ đạo thực hiện tốt những mục tiêu, định hướng của Ban đại diện HĐQT NHCSXH, phát huy hiệu quả cao nhất tín dụng chính sách của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh Hoàng Thủy - Khánh Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo Vĩnh Long
- » Trao đồng vốn cần đi kèm kiến thức
- » Góp phần đưa đồng vốn đến tận tay đối tượng chính sách
- » 4.000 hộ nghèo ở Phú Yên mong nhà tránh lũ
- » Bình Định đổi thay diện mạo sau Nghị quyết 30a
- » Chuyện “cao và thấp” ở huyện Cẩm Khê
- » Vùng cao Yên Sơn đổi thay nhờ vốn ưu đãi
- » Cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Gỡ khó cho người trồng dược liệu
- » Giúp hội viên vươn lên làm giàu