Chuyện “cao và thấp” ở huyện Cẩm Khê
Tính đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Cẩm Khê đạt trên 281 tỷ đồng với hơn 17.831 hộ còn dư nợ. Không chỉ đoạt giải “quán quân” trong tăng trưởng, đơn vị còn đạt luôn giải tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp, chỉ 0,07% và tỷ lệ cho vay luôn đạt 98 - 99%.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Hồng Thao, cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh, việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi ở Cẩm Khê là nhờ sự ủng hộ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể trong quá trình ủy thác cho vay; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Hiện, toàn huyện có 403 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, xóm (những xóm đông thành viên có 2 - 3 tổ). Ở xã Yên Lập, ngoài sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức hội, đoàn thể, NHCSXH huyện còn phối hợp với các cha cố xứ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay hợp lý và thực hiện nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn. Nhờ vậy, hơn 10 năm qua vùng quê xứ đạo này thực hiện được “4 không”: Không vay ké; không xâm tiêu vốn vay; không có tình trạng lãi tồn đọng; không nợ quá hạn, góp phần đạt chất lượng cao về tín dụng chính sách.
Một nguyên nhân khác đưa đến chuyện “cao và thấp” ở NHCSXH huyện Cẩm Khê là hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Với số tiền 59 triệu đồng, bà Phan Thị Tươi ở khu 5, xã Yên Lập, nhớ rành rọt từng khoản vay (gồm 9 triệu đồng vay hộ nghèo năm 2008, 30 triệu đồng vay vốn tín dụng HSSV năm 2009 và 20 triệu đồng vay hộ cận nghèo tháng 6/2013), bà Tươi đã đầu tư nuôi lợn nái, lợn thịt và chăm lo cho 3 con học đại học. Nhờ đầu tư đúng, chăm chỉ lao động, lại được cán bộ tín dụng và khuyến nông tận tình hướng dẫn cách lồng ghép sử dụng vốn vay chính sách với kỹ thuật sản xuất, nhờ vậy thu nhập tăng hàng năm, gia đình đã thoát nghèo bền vững. Con cái học giỏi, ra trường có việc làm ổn định giúp bố mẹ trả gần hết nợ vay ngân hàng.
Tương tự hoàn cảnh bà Tươi, bà Bùi Thị Hạnh ở khu 8, xã Phùng Xá có 3 con đi học đại học, gia đình thuộc diện hộ nghèo, được tổ bình xét vay vốn 3 chương trình của NHCSXH với số tiền 107,6 triệu đồng, bao gồm: vay hộ nghèo 20 triệu đồng; NS&VSMTNT 8 triệu đồng; HSSV có hoàn cảnh khó khăn 79,6 triệu đồng. Nhờ những đồng vốn vay, bà đã đầu tư nuôi 2 con lợn nái, 15 con lợn thịt, cải tạo công trình vệ sinh của gia đình, các con có cơ hội tiếp tục học tập. Hiện, 3 người con của bà đã tốt nghiệp, có việc làm và thu nhập ổn định, hàng tháng đều gửi tiền về để bà trả nợ.
Có thể nói, nguồn vốn NHCSXH lâu nay đã giúp hàng nghìn hộ nông dân huyện Cẩm Khê có điều kiện thoát nghèo. Tuy đã đạt “quán quân” về dư nợ và số lượng khách hàng, những địa bàn rộng, người đông nguồn vốn của NHCSXH mới đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu của bà con. Để giảm nghèo bền vững, người dân Cẩm Khê vẫn còn “khát vốn” tín dụng chính sách.
Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Gỡ khó cho người trồng dược liệu
- » Giúp hội viên vươn lên làm giàu
- » Hiện đại hóa tin học như “chiếc chìa khóa vạn năng”
- » Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững
- » Quản lý tốt nguồn vốn ủy thác
- » Đồng bào Mông sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Nhiều cách làm phát huy hiệu quả đồng vốn
- » Phum sóc “thay áo mới”
- » Cần vốn ưu đãi để thoát nghèo bền vững