Quản lý tốt nguồn vốn ủy thác
Hiện, Hội Phụ nữ xã An Chấn nhận ủy thác từ NHCSXH, phân bổ vốn qua 20 Tổ TK&VV với 835 hộ vay, dư nợ hơn 16 tỷ đồng. Mặc dù quản lý số dư nợ lớn nhưng thời gian qua, hội không để nợ quá hạn. Đây là thành tích đáng ghi nhận ở một xã thuộc vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn như An Chấn. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Chấn, cho biết: “Ngay từ đầu năm, hội đã liên hệ với ngân hàng, in sao kê danh sách các hội viên vay vốn đến hạn trả nợ trong năm để theo dõi. Vào đầu tháng, khi họp giao ban với các Tổ TK&VV, căn cứ vào danh sách, lãnh đạo hội sẽ thông báo số hộ vay chuẩn bị đến hạn trước 3 tháng để Tổ trưởng Tổ TK&VV nắm được, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở hộ vay trả nợ. Đối với các trường hợp khó khăn, cán bộ hội cũng như Ban quản lý Tổ TK&VV tích cực tuyên truyền, vận động họ thu xếp trả nợ rồi xem xét điều kiện, cho vay lại vốn để tiếp tục làm ăn”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Chấn Thái Thanh Hải, ghi nhận: Các cán bộ Hội Phụ nữ xã cũng như Tổ trưởng Tổ TK&VV của hội đều nắm vững nghiệp vụ quản lý vốn, cho vay đúng đối tượng, thường xuyên kiểm tra hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả vốn chính sách, tạo điều kiện cho người dân có vốn làm ăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. |
Bên cạnh việc đôn đốc, nhắc nhở hộ vay trả nợ, theo bà Hằng, quy trình xét duyệt hộ vay chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng là một trong những giải pháp giúp Hội Phụ nữ xã An Chấn quản lý tốt nguồn vốn ủy thác. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn có nhu cầu vay vốn sẽ đăng ký cho các Tổ trưởng Tổ TK&VV. Tổ trưởng nắm danh sách, báo lên Thường trực hội rồi phối hợp với cán bộ hội đi kiểm tra, xét chọn hộ vay. Trong quá trình này, cán bộ hội tiếp cận hộ vay, giải thích đầy đủ quy trình vay/trả vốn, quyền lợi và nghĩa vụ của hộ vay. Khi hộ vay đã hiểu rõ thì Tổ trưởng Tổ TK&VV hướng dẫn cho họ làm hồ sơ vay vốn, sau đó đưa ra thôn bình xét công khai. Nhờ đi trước một bước nên hầu hết các hồ sơ vay mà Hội Phụ nữ trình lên đều được xét duyệt. Hộ vay cũng sử dụng vốn hiệu quả và có ý thức trả nợ, trả lãi đúng hạn. Điển hình như trường hợp của bà Trần Thị Tám ở thôn Mỹ Quang Nam, bà vay vốn Chương trình tín dụng HSSV cho 6 người con học đại học. Đến nay, người con lớn đã ra trường, tìm được việc làm, gửi tiền về quê giúp ba mẹ trả nợ, giúp các em học hành. Bà Tám chia sẻ: “Nhờ được vay vốn mà tôi có tiền đóng học phí cho con vào mỗi đầu năm học. Sau khi ổn định, các con tôi thường đi làm thêm để có tiền lo chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có vốn chính sách, chắc tôi phải vay nóng bên ngoài rồi ôm nợ mà không biết làm cách nào để trả hết”. Cùng hoàn cảnh khó khăn, ngoài vay vốn HSSV, bà Nguyễn Thị Nở ở thôn Phú Phong còn được vay vốn hộ nghèo để tráng bánh tráng, kiếm thêm tiền để nuôi con học đại học và trả nợ ngân hàng. Theo bà Nở, nếu không được cán bộ Hội Phụ nữ xã An Chấn quan tâm, hướng dẫn vay vốn thì đến nay, gia đình bà vẫn còn loay hoay trong cảnh ngặt nghèo, chạy ăn từng bữa đã khó huống hồ còn phải lo cho con ăn học.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng bộc bạch: “Hội Phụ nữ xã An Chấn xác định việc quản lý tốt vốn ủy thác không chỉ là trách nhiệm mà còn là uy tín của hội. Khi đã quản lý tốt, phát huy được hiệu quả nguồn vốn, chúng tôi mong muốn địa phương và ngân hàng quan tâm phân bổ thêm vốn để giúp hội viên phụ nữ nghèo có điều kiện làm ăn, cải thiện đời sống; giúp con em trong xã không phải bỏ học giữa chừng vì thiếu tiền đóng học phí”.
Theo Báo Phú Yên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng bào Mông sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Nhiều cách làm phát huy hiệu quả đồng vốn
- » Phum sóc “thay áo mới”
- » Cần vốn ưu đãi để thoát nghèo bền vững
- » Khi những chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả
- » Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
- » Đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao
- » Thoát nghèo tri thức
- » Đề nghị nâng mức cho vay giải quyết việc làm
- » Gieo vốn nơi cuối trời Tây Bắc