Đồng bào Mông sử dụng hiệu quả đồng vốn vay

24/11/2014
(VBSP News) Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, thời gian qua NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều giải pháp triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, trong đó có chương trình cho đồng bào Mông ở huyện Mường Lát vay vốn.
Bà con đồng bào Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát đến Điểm giao dịch NHCSXH nhận vốn vay

Bà con đồng bào Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát đến Điểm giao dịch NHCSXH nhận vốn vay

Huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú…, trong đó, dân tộc Mông có khoảng 2.800 hộ với 15.000 khẩu, chiếm 89% số hộ dân tộc Mông trên địa bàn toàn tỉnh. Trình độ nhận thức, sự hiểu biết của người dân còn rất hạn chế, dân cư sinh sống phân tán, thiếu ổn định, thậm chí có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng du canh, du cư, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Mông, từ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

NHCSXH huyện Mường Lát đã triển khai cho hộ dân tộc Mông vay tại 40 thôn, bản thuộc 6 xã trên địa bàn huyện (Pù Nhi, Tam Chung, Mường Lý, Trung Lý, Quang Chiểu, Nhi Sơn). Tính đến hết tháng 10/2014, tổng dư nợ 5 chương trình tín dụng đạt hơn 29 tỷ đồng, với 1.852/2.800 hộ còn dư nợ, đạt gần 70% số hộ dân tộc Mông đang sử dụng vốn vay ưu đãi, bình quân mức vay đạt gần 18 triệu đồng/hộ. Trong đó, cho vay hộ nghèo gần 19 tỷ đồng với hơn 750 hộ đang sử dụng vốn; cho vay xuất khẩu lao động 80 triệu đồng; cho vay HSSV 200 triệu đồng; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn hơn 2 tỷ đồng với 340 hộ đang sử dụng vốn; cho hộ nghèo vay làm nhà ở hơn 8 tỷ đồng,…

Nhờ vậy, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mường Lát đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Điển hình như gia đình anh Lâu Hơ Pó ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, được vay 30 triệu đồng, anh đã mạnh dạn đầu tư khai hoang 3 sào lúa nước, mỗi năm sản xuất 2 vụ, thu 2 tấn thóc; trồng 2ha ngô, 1,5ha sắn, thu về hàng chục triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nuôi 5 con bò, 2 con trâu và các loại gia cầm khác. Nhà anh bây giờ đã có tivi, tủ lạnh, xe máy, máy vi tính cho con đi học. Theo gương Lâu Hơ Pó, hộ anh Hơ Chứ Xá ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi cũng vay NHCSXH 30 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, mua máy xay xát để sản xuất đem lại thu nhập hàng năm hơn 50 triệu đồng, gia đình anh đã thoát nghèo.

Tín dụng ưu đãi nơi vùng cao biên giới Mường Lát đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, làm quen với kinh tế thị trường, với hoạt động tín dụng có vay, có trả; từng bước cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống. Cán bộ NHCSXH thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ viên ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn theo cam kết. Hướng dẫn người dân kết hợp nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi với các chương trình tín dụng khác tạo thành số vốn đủ lớn để đầu tư sản xuất. Việc sử dụng kết hợp các nguồn vốn đã mang lại kết quả, nhiều hộ dân tận dụng tốt vốn vay đầu tư chăn nuôi, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Hiệu quả của chương trình cho hộ đồng bào dân tộc Mông vay vốn tại huyện Mường Lát không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế mà còn tác động đến nhận thức của bà con. Đời sống của người Mông tại Mường Lát đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, bà con yên tâm làm ăn, xây dựng cuộc sống ổn định; trình độ, nhận thức dần được nâng lên. Chương trình tín dụng ưu đãi cho vay đối với hộ dân tộc Mông đã góp phần đáng kể vào chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Theo Báo Thanh Hóa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác