Khi những chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả

20/11/2014
(VBSP News) Xóa đói, giảm nghèo là một trong những chính sách lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền; giữa các dân tộc và các nhóm dân cư. Trong những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã chung tay, góp sức tạo nên những chuyển biến đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo ở địa phương.
Những chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã giúp nhiều hộ dân ở Vĩnh Phúc thoát nghèo

Những chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả đã giúp nhiều hộ dân ở Vĩnh Phúc thoát nghèo

Từ tập trung nhiều nguồn lực để giảm nghèo

Đến cuối năm 2005, toàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn 39 xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,04% dân số, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số với đa số hộ nghèo làm nghề thuần nông, làm thuê có cuộc sống bấp bênh; ở các xã nghèo điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí rất thấp. Trước tình hình đó, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết hỗ trợ cho người nghèo phát triển kinh tế. Đặc biệt, chú trọng đến những vấn đề thiết thực với người nghèo như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nhà Đại đoàn kết, đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng cho giáo dục, y tế, dạy nghề. Nhờ đó, phần lớn hộ nghèo đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản như: Vay vốn tín dụng chính sách, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, đào tạo nghề, khuyến nông - lâm - ngư, nước sạch sinh hoạt…

Nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò như “phao cứu sinh” giúp người dân tỉnh Vĩnh Phúc thoát nghèo. Đến hết tháng 10/2014, NHCSXH tỉnh đã cho trên 16.370 hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ đạt trên 388 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng đó, các tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình giúp hội viên vươn lên thoát nghèo. Điển hình như Hội Phụ nữ tỉnh với phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; Hội Nông dân vận động “Quỹ hỗ trợ nông dân” với các hình thức hỗ trợ vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật hiện đại; Đoàn Thanh niên giúp đỡ đoàn viên nghèo thông qua các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Thanh niên sản xuất giỏi”, đưa thanh niên tình nguyện về các xã khó khăn giúp địa phương phát triển sản xuất, phối hợp mở các lớp chuyển giao tiến bộ KHKT sản xuất cho đoàn viên thanh niên…

Đến chủ động thoát nghèo                            

Theo lời giới thiệu của NHCSXH huyện Tam Đảo, chúng tôi tới gia đình chị Hoàng Thị Trần ở thôn Phân Lân Hạ, xã Đạo Trù, trước đây là hộ nghèo của xã. Chị Trần tâm sự, nhà có 4 khẩu với 2 sào đất nông nghiệp, làm quần quật quanh năm suốt tháng vẫn cứ nghèo. Mỗi năm, dù cố gắng chắt chiu nhưng cũng chỉ đủ ăn 6 tháng còn lại vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Từ khi được kết nạp vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ, được vay 15 triệu đồng, chị mua 1 con trâu nái và gần 100 gà thịt. Sau 3 năm chăm sóc, gia đình chị bán trâu và thu được 35 triệu đồng, đàn gà cũng ngày càng phát triển giúp cuộc sống gia đình chị dần ổn định.

“Mang tiền đi trả ngân hàng mà tôi cứ nghĩ mình đang nằm mơ. Còn dư ít tiền, gia đình vay mượn thêm anh em, bạn bè vừa sửa nhà vừa mua thêm một con nghé con và đầu tư nuôi thêm gà đẻ trứng”. Vừa nói, chị Trần vừa đưa tay chỉ về phía chú nghé đang gặm cỏ ung dung như muốn chứng minh cho chúng tôi thấy, đích thực gia đình chị Trần đã thoát khỏi nỗi lo chạy bữa.

Sống ở làng quê nghèo khó, tuy đất đai rộng, nhưng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn chẳng thể lo đủ miếng cơm cho gia đình, xác định không thể cứ sống mãi như vậy, năm 2000, khi chính quyền địa phương có chương trình hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Tương Kế, xã Văn Quán, Lập Thạch bàn với gia đình quyết định vay vốn ưu đãi để sản xuất. Với số tiền 30 triệu đồng được vay từ NHCSXH huyện, chị mạnh dạn vay thêm tiền, đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá và tận dụng phần đất còn lại của gia đình để trồng thêm một số loại cây ăn quả. Thời gian đầu, gặp không ít khó khăn do thiếu tiền mua phân bón, thiếu kỹ thuật chăm sóc nên vật nuôi chết hàng loạt. Với bản tính cần cù, chịu khó, chị đã tích cực tham gia nhiều lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức, tham khảo các mô hình chăn nuôi trong, ngoài huyện. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi và vườn cây ăn quả. Hiện chị Lan không chỉ trả hết vốn vay ngân hàng mà còn là một trong những người đi đầu trong phong trào hội viên phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Đó chỉ là những tấm gương tiêu biểu trong rất nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ sự tương trợ, giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của xã hội đối với người nghèo. Qua tìm hiểu mới thấy, để công tác giảm nghèo phát huy hiệu quả cao nhất, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, thiết thực, vừa huy động được nguồn lực tại chỗ, vừa tạo điều kiện cho các hộ nghèo tự tin, chủ động từng bước vươn lên bằng ý chí, nỗ lực của các thành viên trong gia đình.

Tiêu biểu như MTTQ huyện Bình Xuyên đã tích cực tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ, lồng ghép phổ biến kiến thức KHKT, tích cực giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến; cùng các tổ chức thành viên đứng ra tín chấp NHCSXH huyện cho hàng nghìn hội viên, đoàn viên vay trên 150 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất. Các cấp chính quyền huyện Lập Thạch với chủ trương trích một phần nguồn ngân sách từ Quỹ Vì người nghèo giúp các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Theo đó, MTTQ huyện sẽ là đơn vị cân đối ngân sách, đồng thời, sẽ ủy thác cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để các đơn vị chủ động giải ngân nguồn vốn cho đúng đối tượng. Trước khi vay, các hộ phải có bản cam kết rõ ràng, trong đó phải chỉ rõ mục đích của việc vay vốn, 3 tháng một lần các đơn vị liên quan sẽ đến kiểm tra, theo dõi tiến độ hiệu quả của nguồn vốn… Mỗi đơn vị, địa phương đều có cách làm riêng nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là giảm nghèo bền vững. 

Bài và ảnh Hoàng Phúc - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác