Bình Định đổi thay diện mạo sau Nghị quyết 30a

03/12/2014
(VBSP News) Vừa qua, đoàn công tác liên Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc đã kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 30a tại tỉnh Bình Định. Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng qua 5 năm thực hiện Chương trình 30a, diện mạo nông thôn miền núi Bình Định có nhiều thay đổi tích cực, đời sống người dân được cải thiện...
Hệ thống kè chống sạt lở ở suối Sem, xã Vĩnh Quang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn 30a

Hệ thống kè chống sạt lở ở suối Sem, xã Vĩnh Quang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn 30a

Tỉnh Bình Định có 3 huyện nghèo là An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh được Nhà nước hỗ trợ đầu tư thông qua Chương trình 30a. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến nay, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương (596,3 tỷ đồng), Bình Định đã trích ngân sách 248,3 tỷ đồng và linh động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình dự án khác (trên 484,5 tỷ đồng) phân bổ cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Nhiều Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước (được Chính phủ giao hỗ trợ 3 huyện nghèo) và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã hỗ trợ các huyện nghèo trên 91 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng các công trình giao thông, trường học… Đồng hành cùng Chương trình 30a của Chính phủ, NHCSXH tỉnh Bình Định đang cho vay 12 chương trình với tổng dư nợ trên 2.230 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào một số chương trình lớn, như: hộ nghèo, HSSV, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ cận nghèo…

Bằng nguồn vốn 30a, từ 2009 - 2013, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 345 công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện lưới… Nhờ vậy, diện mạo nông thôn miền núi có nhiều thay đổi, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo tại 3 huyện nghèo giảm từ 4 - 5%, đảm bảo mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo bình quân theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Hiện, thu nhập bình quân đầu người tại huyện Vĩnh Thạnh 15,6 triệu đồng/năm, An Lão 10,6 triệu đồng/năm và Vân Canh 8,2 triệu đồng/năm.

Vân Canh có 7 đơn vị hành chính cấp xã, 40/48 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Huyện có 10 dân tộc thiểu số cùng sinh sống (chiếm tỷ lệ trên 40% dân số toàn huyện), đông nhất là người Bana, Chăm… 5 năm qua, từ nguồn vốn Trung ương và địa phương gần 200 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất… Nhờ đó nhiều làng, thôn vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt vào tận nơi. Trước đây, hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều nằm trong diện hộ nghèo, nay giảm xuống còn 42%.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2009 đến nay, từ các nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình 134, 135 của Chính phủ và các nguồn vốn khác huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xóa nhà ở đơn sơ, đào tạo nghề, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi cho người dân địa phương phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Thành Tâm ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo cho biết: Bà con ở địa phương rất phấn khởi vì tuyến kênh, mương tưới cho cánh đồng rộng hơn 16ha của thôn được đầu tư bê tông xi măng, kiên cố hóa nhờ nguồn vốn 30a. Công trình có vốn đầu tư gần 3,3 tỷ đồng, giúp bà con chủ động nguồn nước cấy, trồng 3 vụ/năm thay vì 1 vụ/năm như trước đây. Tiếp sức cho bà con thoát nghèo bền vững, đến nay, NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đang cho vay 9 chương trình, dư nợ trên 141 tỷ đồng với 6.076 hộ còn dư nợ. Gia đình bà Lê Thị Huệ ở thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo 5 năm về trước bữa đói, bữa no. Năm 2012, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng hộ nghèo, đầu tư nuôi bò vỗ béo và trồng 1ha rừng keo. Nhờ cần cù lao động, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đến nay đàn bò của gia đình tăng lên 10 con, bán 3 con trả hết nợ ngân hàng, số còn lại đầu tư tiếp vào trồng rừng, mua thêm bò nuôi vỗ béo. Vừa thoát hẳn nghèo khó, gia đình bà Huệ vừa có đủ tiền lo cho 2 người con học đại học. Cũng như 2 huyện An Lão và Vân Canh, hiện nay, NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đang tích cực triển khai quyết định mới của Nhà nước về nâng mức vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi tới 50 triệu đồng/hộ; hạ lãi suất một số chương trình tín dụng… “Thêm vốn, thêm lực đẩy giúp các huyện 30a giảm nghèo nhanh và bền vững”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Định Nguyễn Đình Sơn, khẳng định.

Bài và ảnh Hồ Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác