Đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo Vĩnh Long
Câu chuyện ở Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1A, xã Chánh Hội, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) là một điển hình. Chị Lương Thị Ba - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho hay: Đây là địa bàn thuần nông với diện tích tự nhiên 97,8ha, có 266 hộ dân với 1.252 nhân khẩu, đời sống người dân xã Chánh Hội còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao trên 20%; nhu cầu về vốn sản xuất, chăn nuôi là vấn đề bức xúc đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Ba làm Tổ trưởng đã thu hút 58 thành viên với tổng số vốn vay của tổ là 716 triệu đồng và có 53 hộ gửi tiết kiệm với số tiền trên 79 triệu đồng.
Được cán bộ NHCSXH tập huấn công tác quản lý tổ, 6 nội dung nhận ủy nhiệm của NHCSXH, Ban quản lý tổ phối hợp với Ban nhân dân ấp rà soát thống kê đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn sản xuất, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đưa vào danh sách UBND cấp xã xác nhận đề nghị NHCSXH cho vay. Sinh hoạt tổ hàng tháng được duy trì nhằm đôn đốc tổ viên nghiêm túc thực hiện các quy định của Tổ tiết kiệm và vay vốn, thông báo cho thành viên vay vốn nhận vốn tại Điểm giao dịch. Sau khi giải ngân, Ban quản lý tổ thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc sử dụng vốn đúng mục đích bằng cách hướng dẫn hộ vay về phương thức sản xuất, kịp thời động viên, giúp đỡ họ tháo gỡ khó khăn trong quá trình sử dụng vốn vay.
Để quản lý tốt các nguồn vốn vay, chị Ba còn mở sổ theo dõi dư nợ cho vay, thu lãi, tiết kiệm của các thành viên, hàng tháng vận động mỗi hộ đóng tiền tiết kiệm từ 50.000 - 100.000 đồng và họ có thể dùng số tiền tiết kiệm chuyển sang trả lãi hoặc trả tiền gốc. Nhờ hình thức tín dụng này mà nhiều hộ đã trả dần nợ vay đồng thời giúp NHCSXH giảm nợ quá hạn. Nhờ việc quản lý chặt chẽ, Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị Lương Thị Ba không có hộ nợ quá hạn hay các trường hợp sử dụng đồng vốn sai mục đích và lãi tồn đọng. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tổ làm ăn đạt hiệu quả vươn lên thoát nghèo có cuộc sống ổn định như hộ ông Đặng Văn Hỉ, hộ ông Lê Văn Điện thoát nghèo, hộ Đỗ Việt Quang, Nguyễn Hồng Điệp vươn lên khá…
Theo NHCSXH huyện Mang Thít, năm 2014, ngân hàng đã tập trung củng cố, kiện toàn mạng lưới 354 Tổ tiết kiệm và vay vốn, qua kiểm tra có 227 tổ hoạt động tốt, 118 tổ hoạt động khá, 9 tổ hoạt động trung bình và không có tổ yếu kém. Nhờ nỗ lực của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn này, dự kiến năm nay, NHCSXH huyện Mang Thít đạt tổng dư nợ 143 tỷ đồng với trên 14.000 khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ tăng trưởng 8 - 9% so với năm 2013. Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện đã giúp 5.330 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với số tiền gần 40 tỷ đồng, giải quyết cho 1.657 lao động có việc làm mới, tạo điều kiện cho 2.242 HSSV có điều kiện học đại học, cao đẳng, học nghề; xây dựng mới trên 1.000 công trình nước sạch và vệ sinh, góp phần đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đạt tỷ lệ 40%…, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn huyện Mang Thít từ 1,5 - 2%.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long cho biết: Mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn chính là “cánh tay” nối dài đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo Vĩnh Long. Để Tổ tiết kiệm và vay vốn này hoạt động có hiệu quả, NHCSXH kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chọn Tổ trưởng có năng lực, có uy tín, nắm bắt nhu cầu của từng hộ cần vay vốn. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng quản lý vốn cho cán bộ hội, đoàn thể và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức họp tổ bình xét công khai, dân chủ, kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện giao ban trao đổi bàn biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại những khu vực, địa bàn chất lượng ủy thác chưa tốt, kịp thời tuyên dương những điển hình người tốt, việc tốt là cán bộ ngân hàng, cán bộ hội, đoàn thể, Tổ trưởng, hộ vay… trong hoạt động tín dụng chính sách để giúp hộ nghèo có vốn sản xuất vươn lên thoát nghèo, khắc phục nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Bài và ảnh Huỳnh Kim Phượng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Trao đồng vốn cần đi kèm kiến thức
- » Góp phần đưa đồng vốn đến tận tay đối tượng chính sách
- » 4.000 hộ nghèo ở Phú Yên mong nhà tránh lũ
- » Bình Định đổi thay diện mạo sau Nghị quyết 30a
- » Chuyện “cao và thấp” ở huyện Cẩm Khê
- » Cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Gỡ khó cho người trồng dược liệu
- » Giúp hội viên vươn lên làm giàu
- » Hiện đại hóa tin học như “chiếc chìa khóa vạn năng”
- » Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững