Vùng cao Yên Sơn đổi thay nhờ vốn ưu đãi
Thực tế NHCSXH huyện Yên Sơn đã luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng các nguồn vốn vay, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và cử cán bộ tín dụng thường xuyên “bám bản, bám dân” để xác minh chính xác, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn, sử dụng vốn vay đầu tư có kế hoạch, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Tính đến nay, dư nợ của NHCSXH huyện đạt 304 tỷ đồng. Cùng với đó, toàn huyện có 31 Điểm giao dịch tại 31 xã, thị trấn với 526 Tổ tiết kiệm và vay vốn; tỷ lệ giao dịch ở xã hàng tháng đạt 100% với trên 9.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi. Thông qua hoạt động giao dịch tại xã, ngân hàng vừa tổ chức giao ban với cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể đại phương cùng các Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, vừa tổ chức tập huấn, nhằm giúp cán bộ, nhân dân hiểu rõ hơn hoạt động của NHCSXH và những chính sách, chủ trương mới về tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, NHCSXH huyện Yên Sơn đã mở được 30 lớp tập huấn nghiệp vụ uỷ thác cho gần 1.000 người là trưởng thôn, các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây chính là những “cán bộ NHCSXH không chuyên”, tạo thành kênh hỗ trợ tại chỗ của ngân hàng giúp người dân sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn chính sách.
Trong các lĩnh vực vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả nhất ở vùng cao Yên Sơn phải kể đến nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Phần đông các hộ vay vốn đã tập trung đầu tư chăm sóc cây trồng, xây dựng và phát triển mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là thâm canh đồi chè và vườn cây ăn quả… Tiêu biểu trong số hộ này phải kể đến anh Hồ Mạnh Thủy ở thôn Yên Thắng, xã Thắng Quân. Được vay 25 triệu từ chương trình hộ nghèo, anh dùng 8 triệu đồng làm chuồng trại để nuôi trâu sinh sản và lợn nái. Những lứa lợn đẻ đầu tiên và cả con nghé vừa sinh, anh để lại nuôi, chăm sóc chu đáo, rồi mới chọn lựa con khỏe bán làm giống. Chỉ sau hơn 1 năm, kinh tế gia đình anh Thủy đã dần ổn định, để cuối năm 2013 thoát nghèo. Trong thời gian chăn nuôi lợn nái, lợn giống, anh Thủy đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm ở nhiều trang trại chăn nuôi trong huyện, ngoài tỉnh. Nhờ ăn nên làm ra, anh còn được bà con thôn bản tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Nông dân và luôn giúp đỡ các hộ nghèo xung quanh về cách thức phát triển kinh tế gia đình cũng như bán chịu lợn giống dưới dạng cho vay không lấy lãi. Hiện ở Thắng Quân, ngoài gia đình anh Thủy, còn một số hộ khác như chị Đỗ Thị Minh, ông Phạm Văn Hoàn… đều chăm lo chuồng trại đầy đàn lợn béo khỏe và đồi chè sạch xanh tốt, năng suất cao từ sự tiếp sức của nguồn vốn chính sách.
Bà Trần Thị Thúy Quỳnh - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Yên Sơn, cho biết: “Cùng với việc thẩm định giải ngân cho vay kịp thời vốn ưu đãi, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn vận động người dân sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực. Ngân hàng tiếp tục mở rộng nguồn vốn và đối tượng cho vay, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo vay theo mức tối đa 50 triệu đồng/hộ theo quy định mới của Nhà nước về nâng mức vay, giảm lãi suất.
Cũng theo chị Quỳnh, nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn không thiếu, người dân có nhu cầu, có đủ điều kiện vay vốn sẽ được đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do chưa nắm rõ thông tin, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa không biết. Mặt khác, vẫn còn một số ít hộ đồng bào dân tộc chưa biết cách làm ăn nên không dám và ngại ngần vay vốn, dù là vốn ưu đãi. Bởi vậy, NHCSXH huyện Yên Sơn có kế hoạch, phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể vừa tích ực tuyên truyền, vận động, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng theo tiêu chí, không để lãng phí nguồn vốn; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, lãi tồn đọng, hoàn thành đầy đủ chỉ tiêu tín dụng được giao.
Bài và ảnh Quang Nghiêm
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo Vĩnh Long
- » Trao đồng vốn cần đi kèm kiến thức
- » Góp phần đưa đồng vốn đến tận tay đối tượng chính sách
- » 4.000 hộ nghèo ở Phú Yên mong nhà tránh lũ
- » Bình Định đổi thay diện mạo sau Nghị quyết 30a
- » Chuyện “cao và thấp” ở huyện Cẩm Khê
- » Cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Gỡ khó cho người trồng dược liệu
- » Giúp hội viên vươn lên làm giàu
- » Hiện đại hóa tin học như “chiếc chìa khóa vạn năng”