Cần có giải pháp giảm nghèo bền vững

09/12/2014
(VBSP News) Hiện, các xã thuần nông cũng như các xã miền núi ở 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn. Nhất là nguồn vốn để người dân mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, được sự tiếp sức của chính quyền đặc biệt là nguồn vốn tín dụng chính sách đã từng bước giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đồng vốn ưu đãi đã, đang “tiếp sức” cho hộ nghèo Hà Nội vươn lên thoát nghèo bền vững

Đồng vốn ưu đãi đã, đang “tiếp sức” cho hộ nghèo Hà Nội vươn lên thoát nghèo bền vững

Ngoại thành vẫn khát vốn

So với các xã khác có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, xã Ba Vì, huyện Ba Vì được đánh giá là 1 trong 2 xã chậm phát triển, còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 3 thôn với gần 500 hộ, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Dao. Mặc dù nhiều khó khăn nhưng nhiều đối tượng đã tự lực vươn lên thoát nghèo, nếu như năm 2011 số hộ nghèo toàn xã là 228 hộ thì năm 2014 đã giảm xuống còn 174 hộ, nhưng tỷ lệ vẫn còn khá cao, chiếm tỷ lệ gần 36% và 107 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 21,9%, 70% số hộ trong xã vẫn sử dụng nguồn nước chính là nước suối không hợp vệ sinh. Ông Đặng Tiến Hữu - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì, cho biết: Do địa hình chủ yếu là đồi dốc, đá sỏi và khe suối nên diện tích lúa chỉ có hơn 22ha không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho nhân dân. Nông dân sống dựa chủ yếu vào trồng măng trong Vườn Quốc gia Ba Vì và các loại hình dịch vụ như tham gia sơ chế, mua bán, chữa bệnh bằng thuốc nam, sản xuất chổi chít, buôn bán nhỏ…

Thực tế tại các xã miền núi khác của huyện Ba Vì như Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa…, nông dân rất vất vả với cảnh “được mùa rớt giá”. Hoặc xã Ba Vì, Khánh Thượng với lợi thế có đất đai đồi rừng nhưng việc cải tạo các vườn tạp thành vườn chuyên canh đều loay hoay tìm cây trồng phù hợp. Tương tự, xã An Phú của huyện Mỹ Đức, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, xã An Phú vẫn có 351 hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Hiện đồng vốn ưu đãi cho 2 xã này đã đạt trên 40 tỷ đồng, tuy nhiên làm sao để nông dân sử dụng đồng vốn hiệu quả vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Phao cứu sinh” còn quá ít

Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội Nguyễn Kim Phung, cho biết: Hà Nội vốn được mệnh danh là đất “trăm nghề”, và nhiều xã thuần nông đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tiến tới đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy các hộ dân mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nữa với chương trình cho vay giải quyết việc làm và vốn cho hộ cận nghèo. Hiện đồng vốn giải quyết việc làm mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của người dân, vốn cho hộ cận nghèo là 70%.  Đồng vốn thực sự là “phao cứu sinh” đối với các làng nghề đang khát vốn, khó về thị trường, đầu ra của sản phẩm như hiện nay. Mặt khác, các xã đã và đang xây dựng được các mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, nếu được tiếp sức chính sách về vốn đủ liều, các mô hình này sẽ thành công và có sức lan tỏa trong nhân dân rất lớn. Nhiều nông dân muốn mở rộng các mô hình chăn nuôi đặc sản, trồng rừng… nhưng không thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo đành ngậm ngùi, bỏ qua nhiều cơ hội làm giàu. Bởi thực tế, nếu vay vốn Ngân hàng thương mại, các nông hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khó có thể trụ vững trong cơn khủng hoảng như hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho rằng: Hiện nay, thành phố đã có nhiều chương trình triển khai giúp nhân dân ở các huyện ngoại thành giảm nghèo, bước đầu đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn như: do điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí thấp, ý thức của bộ phận người dân còn ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước, sự chênh lệch giàu - nghèo quá lớn… Và đặc biệt đồng vốn để người dân vươn lên thoát nghèo còn hạn chế. Đây là một trong những “nút thắt” khiến cho công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững và đạt được kết quả như mong đợi.

Để giúp các xã này thoát nghèo trong vài năm tới, địa phương cần phân loại theo các nhóm, phân tích nguyên nhân cụ thể đề xuất các giải pháp thiết thực, xây dựng lộ trình giảm nghèo có hiệu quả đến năm 2015. Đối với các hộ thiếu vốn sản xuất ở các huyện ngoại thành, NHCSXH TP. Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan cần có sự đánh giá cụ thể để có cơ chế hỗ trợ tổng thể. “Sau khi thoát nghèo vẫn tiếp tục được vay vốn thêm một thời gian từ 2 - 3 năm để kinh tế hộ thực sự bền vững. Có như vậy sẽ không bị tái nghèo trở lại”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Bài và ảnh Bạch Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác