Chuyện xóa nghèo ở Thành Nam

10/12/2014
(VBSP News) Nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Nam Định có vai trò quan trọng trong giảm nghèo ở vùng ven đô và nông thôn.
Giải ngân tín dụng HSSV tại xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh (Nam Định)

Giải ngân tín dụng HSSV tại xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh (Nam Định)

Vốn nổi tiếng với ngành dệt may và có những Khu công nghiệp lớn: Hoà Xá, Mỹ Trung… đã tạo nên biểu trưng đặc thù cho Nam Định, nhưng số người dân làm nông nghiệp ở tỉnh này vẫn chiếm đa số. Chính vì vậy, nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh Nam Định có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở vùng ven đô và nông thôn.

Càng về cuối năm, công việc của các cán bộ NHCSXH tỉnh Nam Định càng thêm bận rộn. Nữ Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định Phạm Thị Tuyết và nhiều cán bộ đang “trên từng cây số” đến tận các huyện và xã kiểm tra tình hình cho vay vốn ưu đãi trên địa bàn để chuẩn bị chiến lược cho năm 2015. Bà Tuyết tâm sự: khác với các ngân hàng khác, cán bộ NHCSXH luôn phải gần gũi với người dân thì mới mang lại hiệu quả cho vay. “Vất vả là vậy, nhưng bù đắp lại, cán bộ của NHCSXH luôn được người dân tin yêu”, bà Tuyết trải lòng.

Những câu chuyện về điển hình thoát nghèo và tấm gương vươn lên học tập nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH ở Nam Định thì nhiều vô kể. Điển hình như gia đình ông Đặng Đình Liên ở Tổ dân phố khu Đặng Xá, thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, trước đây chỉ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên thu nhập rất bấp bênh bởi mùa được mùa mất, gia đình ông nằm trong diện hộ nghèo của Tổ dân phố.

Mặc dù nghèo, nhưng bù lại, các con của ông Liên đều rất chăm ngoan, học giỏi, ngoài giờ học thường xuyên giúp đỡ bố mẹ công việc đồng ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Liên tâm sự: năm 2000 con gái đầu là Đặng Thị Hoàng Giang thi đỗ vào trường Đại học Hành chính Quốc gia Hà Nội. “Con đỗ đại học mà mừng ít, lo nhiều vì nỗi lo lấy tiền đâu cho con ăn học, bên cạnh đó lại còn 2 đứa em của Giang đang học phổ thông ở nhà”, ông Liên nhớ lại.

Trong thời gian đứa con gái đầu học ở Hà Nội, vợ chồng ông Liên phải xoay trở đủ nghề làm thuê, làm mướn, ai thuê gì làm đó, cộng với vay anh em, hàng xóm, mới lo cho cháu học được ba năm, đến lúc con chuẩn bị bước sang năm thứ tư thì gia đình ông tưởng chừng buộc phải cho con nghỉ học bởi kinh tế đã suy kiệt.

Nhưng rất may mắn vào thời điểm đó (năm 2003), NHCSXH được thành lập và đi vào hoạt động. Là hộ nghèo nên gia đình ông Liên được Hội Phụ nữ quan tâm, động viên tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn để vay nguồn vốn ưu đãi, từ đó có tiền trang trải cho Giang học tiếp đến khi ra trường.

Năm 2007, người con thứ hai của ông Liên là Đặng Quốc Trung thi đỗ vào Đại học Công nghiệp Hà Nội, đúng thời điểm Chính phủ có Chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Vợ chồng ông Liên như “chết đuối vớ được cọc”, lại một lần nữa NHCSXH đem đến cho gia đình ông một chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình vượt qua khó khăn, mở ra tương lai tươi sáng cho các con ông.

Được vay vốn cho con đi học là một niềm vui rất lớn đối với gia đình ông Liên, song niềm vui được nhân lên gấp bội khi năm 2009 người con thứ 3 là Đặng Văn Kiên thi đỗ vào Học viện Tài chính. Và gia đình ông Liên cũng lại được NHCSXH cho vay để lo cho con ăn học. Ông Liên tâm sự, chiếc phao cứu sinh của NHCSXH đã đem đến cho gia đình tôi một tài sản vô giá. Bởi, với 5 triệu đồng vay ban đầu để phát triển chăn nuôi lấy tiền cho cháu Giang ăn học, rồi đến số tiền 54 triệu đồng mà 2 cháu được vay vốn tín dụng HSSV. Đến nay, các cháu đều có công ăn việc làm ổn định, giúp bố mẹ từng bước trả nợ ngân hàng.

Sinh viên trường Đại học Dân lập Lương Thế Vinh làm thủ tục xác nhận vay vốn

Sinh viên trường Đại học Dân lập Lương Thế Vinh làm thủ tục xác nhận vay vốn

Nghĩ về cả một thời kỳ nuôi con ăn học gia đình tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ và NHCSXH đã có những chính sách đúng đắn, kịp thời giúp cho hàng triệu gia đình nghèo như gia đình tôi được cho con ăn học có nghề nghiệp ổn định, phục vụ cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội”, ông Liên xúc động nói.

Theo NHCSXH tỉnh Nam Định, đến nay, dư nợ cho vay đạt trên 2.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, tỉnh Nam Định đã có 3.926 lượt hộ nghèo, 3.258 lượt hộ cận nghèo được vay vốn, góp phần giúp 2.788 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 846 lao động, 14.501 HSSV có hoàn cảnh khó khăn dược vay vốn, xây dựng 19.903 công trình nước sạch và vệ sinh hợp tiêu chuẩn.

Một chương trình tín dụng ưu đãi khác của NHCSXH được triển khai từ năm 2013 là cho vay hộ cận nghèo đã đem đến niềm vui cho nhiều hộ gia đình ở Nam Định.

Gia đình chị Vũ Thị Đông ở xóm 3, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, chồng chị thường xuyên đau ốm, nên cuộc sống rất chật vật. Tuy nhiên, vào tháng 4/2014, được vay 30 triệu đồng từ chương trình vay vốn đối với hộ cận nghèo đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn. Với số vốn 30 triệu đồng, chị Đông đã đầu tư sửa chuồng trại, mua lợn giống, hiện tại gia đình chị đang nuôi 5 con lợn nái và 45 con lợn thịt. Khuôn mặt chị Đông đã rạng rỡ hơn khi đàn lợn béo tốt sắp đến ngày xuất chuồng, để có tiền chữa bệnh cho chồng và có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi.

Bà Mai Thị Dần - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Tân, cho biết: Những năm qua, nhờ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH mà nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát được nghèo vươn lên thành hộ khá, mừng hơn nữa, vừa qua Chính phủ đã có quyết định tăng mức vay chương trình hộ nghèo và hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng và giảm lãi suất các chương trình vay vốn ưu đãi nên người dân nghèo đã phần nào yên tâm không lo thiếu vốn phát triển sản xuất chăn nuôi.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn, bộ mặt nông thôn xã cũng ngày càng được cải thiện, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác