Hiệu quả vốn chính sách nơi vùng cao biên giới Tây Bắc

03/11/2014
(VBSP News) Trải qua hơn thập kỷ luôn đồng hành cùng người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Phong Thổ (Lai Châu), NHCSXH đã thực hiện giải ngân hàng trăm tỷ đồng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách có cơ hội được tiếp cận với đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhiều chị em đã biết sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển nghề dệt may thổ cẩm

Nhiều chị em đã biết sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển nghề dệt may thổ cẩm

Giám đốc NHCSXH huyện Phong Thổ Nguyễn Thanh Hà, cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, huyện, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp ở địa phương đã cùng NHCSXH phối hợp giải ngân vốn vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn…

Qua thực tế cho thấy, hầu hết các hộ sử dụng vốn vay ưu đãi, kể cả vốn vay không tính lãi hay lãi suất có 0,1%/tháng đều đúng mục đích và đang phát huy tốt hiệu quả; nhờ vậy kinh tế nhiều hộ gia đình đã từng bước ổn định và nâng cao rõ rệt; một số hộ còn mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi trâu bò, lợn nái, khai phá đất đồi trồng rừng, chăm sóc vườn cao su tiểu điền. Cùng với đó, các hộ vay vốn cũng đã trả nợ, nộp lãi khi đến hạn đầy đủ, kịp thời, hiện nay, NHCSXH huyện Phong Thổ đạt tỷ lệ thu lãi cao và tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất tỉnh Lai Châu.

Đến thăm các mô hình trồng cao su, phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, khôi phục, mở mang nghề dệt thổ cẩm xuất khẩu… Ở xã Mường So, chúng tôi tận mắt chứng kiến những chuyển biến trong sản xuất, cuộc sống của người dân miền biên giới Tây Bắc xa xôi này.

Từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước được NHCSXH huyện Phong Thổ đã chuyển tải đến kịp thời, cùng với những tiến bộ KHKT tiếp thu tại các lớp tập huấn và sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tế, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngần ngại đầu tư xây dựng, đa dạng mô hình sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình chị Kà Thị Thu ở bản Khuổi Bảo là một trong số hộ điển hình về sự nỗ lực lao động, biết cách sử dụng vốn vay chính sách hợp lý trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở xã Mường So. Thông qua Hội Phụ nữ, chị Thu được vay vốn 30 triệu đồng từ Chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Để phát triển kinh tế, chị Thu đã dùng tất cả số tiền vay được đầu tư khai hoang mở đất trồng 2,5ha cao su, mua thêm lợn nái, bò sinh sản, về nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh chu đáo, đúng kỹ thuật nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Thu cho chúng tôi biết: Cuộc sống gia đình tôi trước đây rất nghèo khó do thiếu vốn sản xuất, nhưng từ năm 2010 đến nay, nhờ có nguồn vốn vay chính sách, ưu tiên ưu đãi về lãi suất cũng như thời gian, thủ tục, mức tiền vay, gia đình tôi đã chủ động mở rộng và thâm canh sản xuất cây trồng, vật nuôi. 2 năm nay, mỗi năm gia đình tôi thu từ đồi cây, chuồng trại chăn nuôi ngót 200 triệu đồng, nếu trừ chi phí vẫn còn lãi tới 60 - 70 triệu đồng. Giờ thì kinh tế gia đình tôi được xếp vào hàng khấm khá của bản, lại mới thanh toán hết nợ nần với ngân hàng và đang bàn tính xây thêm 3 gian chuồng vững chắc để chăn nuôi vài chục con lợn thịt theo phương pháp bán công nghiệp.

Rõ ràng, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của NHCSXH cùng với sự kết hợp với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất đã giúp cho vùng cao biên giới Phong Thổ khởi sắc, đổi thay từng ngày. Từ những phương thức sản xuất lạc hậu, còn mang tính tự cung tự cấp, dựa vào tự nhiên là chính, đến nay nhiều hộ dân nghèo trong huyện đã biết cách đầu tư vào trồng rừng, chăm sóc đồi cây công nghiệp, thâm canh chăn nuôi… Tạo nguồn thu nhập đáng kể, thoát dần nghèo khó, nâng cao cuộc sống.

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo chung trên địa bàn xuống còn 13,7% vào năm 2015, NHCSXH huyện Phong Thổ tiếp tục tập trung cho vay quay vòng, không để đọng vốn; đồng thời đề xuất với NHCSXH cấp trên nâng dư nợ lên cao hơn nữa để có thể nâng mức đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao được vay vốn, từng bước mở rộng về quy mô cũng như hình thức sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh Trần Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác