Điểm tựa cho bà con Khmer nghèo

19/12/2014
(VBSP News) Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào Khmer đông nhất cả nước với gần 400 nghìn người (chiếm 30,71% dân số của tỉnh). Đa số người Khmer sống ở vùng nông thôn nên còn nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, từ nguồn vốn vay NHCSXH, bà con Khmer có thêm điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều gia đình người Khmer thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

Nhiều gia đình người Khmer thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

“Tôi đã có cuộc sống ổn định”

Ông Thạch Kim, ngụ ấp Phú Đức, xã Long Phú, huyện Long Phú, chia sẻ: “Mấy năm trước gia đình tôi khó khăn lắm do không có đất sản xuất, chỉ có miếng vườn nhỏ quanh nhà. Được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng, tôi mua 1 con bò về nuôi. Nay tôi đã có 5 bò bố mẹ và 2 bò con, mỗi năm thu gần 40 triệu đồng từ bán bò giống”.

“Hội Nông dân xã nhận ủy thác từ NHCSXH cho 291 hộ vay vốn để chăn nuôi và trồng trọt làm kinh tế hộ. Hàng năm, xã có khoảng 170 hộ thoát nghèo, trong đó có đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn này”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phú, Lý Thanh Hoàng, cho biết.

Nuôi bò từ nguồn vốn ưu đãi cũng đã giúp anh Thạch Thanh, một nông dân ngụ cùng ấp Phú Đức thoát nghèo. “Ban đầu, tôi được vay 10 triệu đồng theo diện làm ăn buôn bán nhỏ, tôi dùng làm vốn mua phế liệu. Sau đó có dư, tôi mua thêm mấy con lợn về nuôi. Có lợn, vợ chồng tôi dành dụm mua thêm được 2 con bò. Nhờ nguồn vốn ngày đó mà nay nhà tôi có lợn, có bò, cuộc sống ổn định”, anh Thạch Thanh phấn khởi chia sẻ. Từ chỗ không đất, không vốn làm ăn, nay gia đình anh đã có lãi gần 60 triệu đồng mỗi năm, thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Trao đổi về ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi với các hội viên, ông Lý Thanh Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phú, cho biết: “Gần 80% dân số xã này là người Khmer, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH mà nhiều gia đình hội viên có điều kiện cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Phía Hội Nông dân nhận ủy thác từ ngân hàng cho 291 hộ vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, làm kinh tế. Hàng năm, xã có khoảng 170 hộ thoát nghèo, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn ưu đãi này”.

Hàng nghìn người được hưởng lợi

Trên phạm vi toàn huyện Long Phú, đến nay, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Long Phú là hơn 36 tỷ đồng, tổng dư nợ gần 180 tỷ đồng và đã cho 2.683 hộ vay, trong đó 218 hộ là người Khmer. Còn trên phạm vi toàn tỉnh Sóc Trăng, đã có trên 191 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH. Trong số đó, hơn 68.400 hộ là đồng bào Khmer, với số dư nợ là 667 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 2.240 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013. Dư nợ bình quân 14,8 triệu đồng/hộ.

“Số vốn này đã hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, vay làm nhà, mua đất ở theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ, mua bò sữa, cho HSSV là con em đồng bào dân tộc Khmer vay để đi học… Thời gian qua, bà con Khmer sử dụng nguồn vốn để tập trung mở rộng phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Xinh, đánh giá.

Bài và ảnh Chúc Ly

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác