Ưu đãi vốn giúp đồng bào Chăm thoát nghèo

16/12/2014
(VBSP News) Bắc Bình là một huyện miền núi thuộc tỉnh Bình Thuận với hơn 30.000 người dân tộc Chăm sinh sống. Trước đây, do điều kiện canh tác sản xuất khó khăn và thiếu nguồn vốn để đầu tư, nên cuộc sống người dân rất khó khăn thiếu thốn. Từ khi NHCSXH tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh nguồn vốn vay ưu đãi cho đồng bào Chăm, cuộc sống người dân nơi đây dần được đổi thay, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Thanh cùng đàn bò được đầu tư từ vốn vay ưu đãi

Chị Nguyễn Thị Thanh cùng đàn bò được đầu tư từ vốn vay ưu đãi

Năm 2010, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, hộ chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp được NHCSXH cho vay 8 triệu đồng với lãi suất thấp để sửa chữa ngôi nhà cũ dột nát; đồng thời cho vay thêm 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, gia đình chị mua một con bò cái sinh sản về nuôi, đến năm 2013, chị bán một con bò được 18 triệu đồng.

Sau khi trả ngân hàng tiền gốc vay ban đầu, số còn lại chị dùng để đầu tư làm ruộng phát triển sản xuất. Cơ hội thoát nghèo lại được nhân đôi, gia đình tiếp tục được vay thêm 10 triệu đồng mua bò về nuôi. Đến nay, đàn bò của chị phát triển tốt, sắp tới chị cho xuất chuồng 2 con, lứa bò này, gia đình chị sẽ trả hết nợ, ổn định cuộc sống. Từ một hộ gia đình nghèo khó, nhờ được vay vốn và chí thú làm ăn, năm 2014, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo và có thu nhập ổn định.

Hay như hộ anh Bùi Duy Loan ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp từ 10 triệu đồng vay nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Bắc Bình năm 2010, anh Loan đã đầu tư để phát triển nghề làm gốm truyền thống của gia đình. Từ số tiền vay anh mua thêm nguyên liệu như đất sét, củi nung, bàn quay và thuê mướn thêm nhân công sản xuất lò bằng đất sét nung. Bình quân mỗi tháng, anh làm 1.000 sản phẩm và sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình thu lợi từ 2,5 - 3 triệu đồng.

Anh Loan cho biết: “Khi thu nhập được cải thiện, vợ có việc làm ổn định nên mình có điểm tựa để mở rộng sản xuất. Hiện tại, ngoài làm gốm, gia đình còn làm lúa, mua sắm được máy xới ruộng, máy gặt để vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, nhờ kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ HSSV, gia đình còn nuôi được 3 con học đại học”.

Chỉ tính riêng ở 3 xã thuần đồng bào Chăm sinh sống là Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Thanh ở huyện Bắc Bình, nếu như năm 2012, số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 600 hộ thì đến nay con số này chỉ còn gần 400 hộ. Theo thống kê của NHCSXH huyện Bắc Bình, riêng đối với đồng bào Chăm, từ đầu năm đến nay tổng dư nợ thông qua cho vay ủy thác từ các tổ chức chính trị - xã hội đạt 50 tỷ đồng với gần 3.000 hộ người Chăm được vay vốn.

Ông Nguyễn Tấn Vinh - Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Bình, cho biết: Để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, hàng quý NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể mở các lớp tập huấn về công tác tín dụng chính sách, củng cố hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, kết hợp với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hướng dẫn bà con sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển sản xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Vinh, do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, NHCSXH huyện đã tổ chức những phiên giao dịch lưu động động đến tận xã mỗi tháng một lần vào ngày cố định để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện vay vốn và trả lãi. Ðến nay, toàn huyện phát triển được 316 Tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội ở các thôn, bản để người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi được thuận lợi. Ðây thật sự là cầu nối giữa ngân hàng với các hộ nghèo, đồng vốn ưu đãi là “bà đỡ” cho những hộ đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Bắc Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương cho vay vốn ưu đãi đến tận nơi ở của các đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt triển khai giải ngân theo quy định mới của Nhà nước về giảm lãi suất, tăng mức vay đối với các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, NS&VSMTNT nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, từ đó đầu tư mở rộng diện tích và quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững, nhất là đồng bào Chăm trên địa bàn.

Bài và ảnh Trần Ngọc Tú - Hồng Hiếu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác