Chương trình NS&VSMTNT: Cần mở rộng đối tượng cho vay
Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc NHCSXH huyện Vị Thủy (Hậu Giang), nhận xét: Hiệu quả của Chương trình tín dụng NS&VSMTNT mang lại cho người dân rất cao, đặc biệt là những vùng ô nhiễm. Hiện nay, trên địa bàn huyện các hộ dân ở ấp 4, ấp 5, thị trấn Nàng Mau có nhu cầu vay vốn từ chương trình này nhưng các đối tượng này không thuộc khu vực được thụ hưởng vốn vay từ chương trình.
Bà Trần Thị Phấn - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: Do bị giới hạn quy định đối tượng cho vay đối với địa bàn thị trấn nên trong tổng số 647 hội viên phụ nữ thị trấn có tới 420 hộ sinh sống trong vùng không có trạm cấp nước đi qua và có nhu cầu vay vốn. Hiện, người dân đang phải sử dụng nguồn nước từ các kênh, rạch, tuy nhiên nguồn nước này rất bẩn, đục, không đảm bảo vệ sinh. Để đáp ứng yêu cầu sử dụng nước sạch và xây dựng công trình vệ sinh, các cấp, các ngành có liên quan cần xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ dân sinh sống ở khu vực thị trấn.
Bà Phạm Thị Phi Vân ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, cho biết: “Vào mùa thu hoạch lúa, nước dưới sông rất đục, bẩn và gây ngứa. Do không có công trình NS&VSMTNT nên gia đình vẫn phải xách nước dưới sông để sử dụng. Chúng tôi mong được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh”.
Còn tại huyện Châu Thành A, do quy định của chương trình, các đối tượng ở khu vực thị trấn không thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi từ Chương trình NS&VSMTNT nên có khoảng 2.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch và vệ sinh hợp chuẩn. Ông Nguyễn Thanh Triều - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Khó khăn lớn nhất hiện nay của chương trình là đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực địa bàn phường và thị trấn. Vì theo quy định của chương trình, hộ dân thuộc 2 khu vực này không nằm trong diện được vay vốn. Mặc dù nằm trên địa bàn phường, thị trấn nhưng đặc điểm của hộ dân nơi đây không sinh sống tập trung tại trung tâm như các tỉnh, thành phố lớn mà chủ yếu sống theo các tuyến sông, kênh, rạch. Vì vậy, cần sớm mở rộng đối tượng cho vay đối với khu vực thị trấn, phường không thuộc địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, mức cho vay của chương trình là 6 triệu đồng/công trình, so với tình hình giá cả hiện nay thì chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, để Chương trình tín dụng NS&VSMTNT đạt hiệu quả cao hơn nữa thì cần sớm mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay.
Bài và ảnh Thành Xoàn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc
- » Hiệu quả từ những chương trình tín dụng ưu đãi
- » Ưu đãi vốn giúp đồng bào Chăm thoát nghèo
- » Giải bài toán thoát nghèo cho Đông Giang
- » Có vốn làm ăn, gia đình bớt lục đục
- » Hà Tĩnh hỗ trợ phát triển sản xuất cho huyện nghèo biên giới
- » Hậu Giang củng cố chất lượng tín dụng chính sách
- » Vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ giảm nghèo bền vững
- » Chuyện xóa nghèo ở Thành Nam
- » Cõng vốn đến hộ nghèo