Niềm vui khi có chòi tránh lũ
Ngược thành phố Thanh Hóa lên miền ngập trũng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những nhà chòi tránh lũ rất thiết thực đối với 100 hộ thuộc ba xã: Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc; Thành Trực và Thạch Định thuộc huyện Thạch Thành. Sau khi hoàn thành Chương trình thí điểm xây chòi tránh lũ, nhiều hộ gia đình vui mừng, đồng tình và hưởng ứng với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là động lực giúp nhiều hộ dân yên tâm phát triển kinh tế, bớt lo lắng khi mùa mưa bão đến.
Vĩnh Hưng, Thành Trực và Thạch Định là những xã nghèo nằm trong vùng trũng thấp, cứ đến mùa mưa bão là bị ngập úng. Sở dĩ như vậy là vì các xã này nằm ở vị trí có sông Bưởi bao bọc nên mỗi khi nước sông dâng cao, những làng này có thể bị nhấn chìm bất cứ lúc nào.
Chúng tôi cớ mặt tại xã Vĩnh Hưng, thấy nhiều ngôi nhà thí điểm tránh lũ đã được mọc lên trong niềm vui mừng của người dân. Đa phần những căn nhà chòi được xây dựng kết hợp với nhà ở trông rất kiên cố, vững chắc.
Anh Nguyễn Văn Thanh, ở thôn 2, xã Vĩnh Hưng, vui mừng cho biết: “Sau khi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, NHCSXH cho vay 10 triệu đồng, cộng thêm tiền vay mượn của người thân, gia đình, tôi đã xây dựng nhà chòi tránh lũ với chi phí lên tới 120 triệu đồng. Đây là chương trình hữu ích cho người dân, giúp chúng tôi cớ cơ hội kết hợp nguồn vốn sẵn có cộng với vay mượn để xây được căn nhà kiên cố, yên tâm hơn khi đối mặt với mưa lũ”.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng thôn 2, xã Vĩnh Hưng, cho biết: “Thôn có 226 hộ dân, gần 1.000 khẩu. Diện tích đất tự nhiên gần 112ha, đất nông nghiệp chỉ làm được một vụ. Ở đây có đến 60% số hộ bị ngập lụt, mỗi lần bị ngập thường là nửa tháng nước mới rút hẳn. Như trận lũ lịch sử năm 2007, chúng tôi di dời không kịp, mọi tài sản trong nhà đều bị nước lũ cuốn trôi, lợn, gà, trâu, bò… đều chết. Bây giờ có chương trình hỗ trợ của Nhà nước, người dân có nó đỡ được một phần, bớt lo lắng khi mùa mưa bão đến”.
Vữa xây được cắn nhà kiên cố có chòi tránh lũ, ông Nguyễn Văn Lý ở thôn 2, chia sẻ: “Tôi rất vui và phấn khởi vì gia đình đã hoàn thành căn nhà chống lũ trị giá 80 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng cộng với vay mượn của ngân hàng và người thân. Tuy vẫn còn nợ một khoản tiền nhưng gia đình cũng yên tâm hơn khi mùa mưa bão đến. Trận lũ năm 2007, gia đình tôi mất một đàn vịt hơn 100 con, một ao cá và đàn gà hơn 300 con. Năm đó do nước lũ lên nhanh nên gia đình tôi cùng nhiều hộ không kịp di dời của cải vật chất khiến mất mát rất lớn. Nay có chòi kiên cố, chúng tôi không còn lo lắng như trước”.
Ông Trịnh Đức Đông - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, cho biết: “Sau khi nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm mô hình chòi chống lũ, chúng tôi đã thực hiện từng bước, bình xét đối với từng hộ, sau đó chọn ra những hộ thuộc diện khó khăn, gia đình chính sách nằm trong vùng ngập trũng thì được hỗ trợ xây chòi chống lũ ở đây, đa số các hộ đều kết hợp xây nhà ở gắn liền với chòi. Ngoài vốn Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, NHCSXH cho vay 10 triệu đồng, nhiều hộ còn vận động anh em bạn bè cho vay. Một ngôi nhà có diện tích 30 - 60m² kinh phí xây dựng trung bình 60 triệu đồng/chòi, có hộ lên đến trên 100 triệu đồng”.
Tiếp xúc với nhiều hộ dân tại 2 xã Thành Trực và Thạch Định, bà con cũng rất phấn khởi khi được đón nhận Chương trình thí điểm xây chòi trình lũ của Nhà nước. Họ mong muốn Nhà nước có nguồn tài trợ thêm cho chương trình để có nhiều chòi tránh lũ an toàn hơn khi mùa mưa bão tới. Cả 2 xã có 50 hộ được thí điểm mô hình, trong đó Thành Trực có 23 hộ (7 hộ là đồng bào dân tộc Mường), Thạch Định 27 hộ.
Bà Phẩm Thị Thục, dân tộc Mường, ở thôn Ngọc Nước, xã Thành Trực, cho hay: “Nhờ có Chương trình xây chòi chống lũ, gia đình tôi đã có một ngôi nhà kiên cố, lại có gác phía trên, mùa lũ không còn phải lo lắng nữa, chỉ cần đưa đồ đạc lên trên. Mong Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những vùng thường xuyên bị ngập để các gia đình có nhà chống lũ phòng khi mưa, lũ lớn tràn về”.
Ông Nguyễn Thế Thoa - Chủ tịch UBND xã Thành Trực, cho biết: “Cả xã có 30% dân số chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt. Khi triển khai Chương trình xây chòi tránh lũ, người dân rất phấn khởi. Bà con mong muốn có thêm sự hỗ trợ để nhân rộng mô hình. Đây là chương trình mang tính kích cầu, giúp nhiều hộ vừa kết hợp xây chòi vừa xây nhà ở kiên cố có thể tránh được nước lũ khi dâng cao”.
Có thể nói, trong Chương trình xây dựng thí điểm mô hình chòi tránh bão, NHCSXH đóng vai trò quan trọng khi nhanh chóng triển khai, giải ngân nguồn vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến các gia đình nghèo.
Ông Vũ Mạnh Khang - Giám đốc NHCSXH huyện Thạch Thành, cho hay: “Đây là chương trình rất thiết thực và có ý nghĩa đối với những vùng thường xuyên bị ngập lụt. Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo từ trên, chúng tôi đã nhanh chóng giải ngân sau khi có danh sách các hộ thuộc diện được xây chòi. Trên địa bàn huyện có 50 hộ được hưởng lợi từ chương trình, hiện các hộ đã có chòi đảm bảo an toàn”.
Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hộ dân được hưởng lợi từ chương trình, giúp bà con bớt lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.
Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố; giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi phòng tránh lũ, lụt. |
Thực hiện Quyết định 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 1106/BXD-QLN ngày 09/7/2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thí điểm hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điểu kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ lụt, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 716 (do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở Xây dựng làm cơ quan thường trực) gồm Lãnh đạo các ngành: Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, UBMTTQ, Đoàn Thanh niên, NHCSXH. Sau khi thành lập Ban chỉ đạo, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành khẩn trương lựa chọn hai trong số các xã thường xuyên bị ngập lụt, có đông hộ nghèo có nhu cầu xây dựng chòi tránh lũ để lên danh sách, báo cáo UBND tỉnh ra Quyết định. |
Bài và ảnh Hữu Chí - Trần Ngọc Tú
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp hội viên CCB nâng cao chất lượng cuộc sống
- » Bài học kinh nghiệm về tổ chức cho vay Chương trình tín dụng HSSV
- » Hướng đến sự phát triển bền vững
- » Mối ràng buộc đặc biệt đối với ghế sếp ngân hàng quốc doanh
- » Đồng bào dân tộc ở tỉnh Gia Lai đã được sử dụng công trình NS&VSMTNT
- » Phát huy hiệu quả vốn vay
- » Lễ kết nạp Đảng viên mới
- » Đêm hội trăng rằm
- » Thực hiện uỷ thác thiết thực trong việc vay vốn chính sách
- » Công đoàn Ngân hàng Việt Nam chăm lo đời sống đội ngũ cán bộ