Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Điện Biên

25/12/2014
(VBSP News) Huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) có 13 xã và 1 thị trấn thì cả 13 xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ. Huyện có khoảng hơn 50.000 người dân sinh sống, trong đó hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số, đông nhất là dân tộc Mông (54,26%), Thái (32,4%)... Hàng năm, trên 95% nguồn chi ngân sách của huyện do Trung ương và tỉnh hỗ trợ. Năm 2014 sắp hết, huyện Điện Biên Đông - nơi có đủ mọi khó khăn đặc thù của vùng miền núi Tây Bắc đang phát đi những tín hiệu đáng mừng.
Xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước về mở rộng diện tích lúa nước

Xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước về mở rộng diện tích lúa nước

Được tách ra từ huyện Điện Biên năm 1996, “cơ ngơi” của huyện Điện Biên Đông lúc bấy giờ là hai dãy nhà cấp 4 nằm cheo leo trên đỉnh dốc Na Son, vốn là của Ban chỉ đạo 10 xã vùng cao của huyện Điện Biên cũ. Năm 1998, hai dãy nhà suýt bị “thủy thần” cuốn trôi, “huyện lỵ” phải chuyển đến địa điểm mới là thị trấn huyện ngày nay.

18 năm ra “ở riêng”, thời gian chưa lâu nhưng Điện Biên Đông đã làm nên sự đổi thay vượt bậc. Minh chứng sống động là từ chỗ trên 50% số hộ bị thiếu đói triền miên, ngày nay bình quân lương thực đã đạt 422kg/người/năm. Chuyện đốt rừng làm nương rẫy tràn lan đã lùi xa. Ông Vàng A Cử - Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Thành công lớn nhất của Đảng bộ và nhân dân Điện Biên Đông gần 2 thập kỷ qua là huyện đã nhanh chóng định canh, định cư cho toàn bộ 13 xã và một thị trấn. Là “rốn nghèo” của tỉnh Điện Biên, Điện Biên Đông được thụ hưởng nhiều chính sách của Trung ương, như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, Chương trình giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới, Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH… Tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo được huyện xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, huyện Điện Biên Đông đã chọn bước đi thích hợp, chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Với hơn 90% dân cư là nông dân, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, từ nguồn vốn các chương trình, huyện đã xây mới nhiều công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới hai vụ lúa cho các cánh đồng trọng điểm, như Sư La (xã Na Son), bản Giới (xã Luân Giới)… Tính đến nay, toàn huyện đã có 122 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, cung cấp nước tưới cho 570ha lúa vụ đông xuân và gần 1.600ha lúa vụ mùa. Lo được khâu “nhất nước”, huyện động viên nhà nhà khai hoang ruộng nước, cải tạo nương rẫy, hạn chế tình trạng phá rừng. Nhờ vậy, đất sản xuất nông nghiệp được mở rộng lên gần 20.000ha. Đây là cơ sở để người dân yên tâm rời xa cuộc sống du canh, du cư. Năm 2013, cả huyện đạt gần 14.000 tấn lúa, tăng hàng trăm tấn so với các năm trước. Ngoài ra, đồng bào còn trồng thêm ngô, sắn, lạc, đậu tương… đem lại nguồn thu đáng kể.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Điện Biên Đông còn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Tính đến năm 2013, toàn huyện đã triển khai thực hiện 101 dự án, với tổng nguồn kinh phí 142 tỷ đồng. Nhờ đó, đã hình thành nên 13 tuyến huyện lộ với 300km đường giao thông nông thôn. Hết rồi mùa mưa lũ các xã, bản vùng cao, vùng xa lo thiếu những mặt hàng thiết yếu như dầu hỏa, xăng, phân bón, giống nông nghiệp; sản phẩm hàng hóa của bà con được giao thương. 14/14 xã có điện lưới quốc gia và 80% dân số của huyện được sử dụng nước sinh hoạt tập trung; công tác y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm… Tỷ lệ hộ nghèo từ 62% năm 2010 giảm xuống còn 47% năm 2013 (bình quân trên 4,5%/năm).

Nhiều hộ ở xã Luân Giới thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò

Nhiều hộ ở xã Luân Giới thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò

Lấy nông nghiệp làm trọng tâm phát triển kinh tế, nhưng để tăng thu nhập cho người dân, huyện Điện Biên Đông đang thay đổi cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Theo thống kê, hiện toàn huyện có 26.000 con trâu, bò; 9.000 con dê; đàn lợn gần 45.000 con; chăn nuôi chiếm trên 30% tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Con số này chưa dừng lại, thực hiện chủ trương của huyện, NHCSXH đã và đang tiếp sức cho bà con. Năm 2011, toàn huyện có 2.559 hộ được vay vốn ưu đãi, với dư nợ gần 13 tỷ đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, trên 80% số hộ vay vốn phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả. Từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, huyện đã triển khai hỗ trợ 329 con bò sinh sản cho các hộ nghèo. Phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, Hội CCB huyện Điện Biên Đông tích cực giúp nhau thoát nghèo. Hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, nhận ủy thác 34,28 tỷ đồng cho gần 1.000 hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ có thu nhập ổn định 40 - 70 triệu đồng/năm.

Tuy tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khó khăn còn nhiều, nhưng được sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể, hướng tới một ngành chăn nuôi phát triển bền vững theo hướng hàng hóa là hướng đi mà huyện Điện Biên Đông cần phấn đấu, góp phần giúp huyện Điện Biên Đông trong tương lai không xa sẽ thoát khỏi tình trạng “đặc biệt khó khăn”.

Bài và ảnh Châu Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác