Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống

26/12/2014
(VBSP News) Sơn Động là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Bắc Giang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững dành cho 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, UBND huyện Sơn Động đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo nhằm tổ chức, quán triệt, triển khai nội dung Nghị quyết đến cơ sở với mục tiêu giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo.
Mô hình trồng ba kích tím góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở Sơn Động

Mô hình trồng ba kích tím góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở Sơn Động

Huyện Sơn Động có 21 xã và 2 thị trấn, thì 17/23 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mặc dù là huyện miền núi có tiềm năng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp nhưng do địa hình của Sơn Động nhiều đồi núi cao, giao thông cách trở bởi nhiều sông suối nên huyện gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Từ nguồn vốn hỗ trợ hơn 227 tỷ đồng của Chương trình 30a, 5 năm qua huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi; hỗ trợ làm nhà ở, cấp nước sinh hoạt tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. 

Từ nguồn vốn được Chính phủ hỗ trợ đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, huyện đã xây dựng 57 công trình thiết yếu (điện, đường, trường, trạm…) và 36km đường giao thông nông thôn với số vốn đầu tư gần 162 tỷ đồng. Các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả giúp dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của người nghèo được triển khai tích cực, tạo sự đồng thuận và tin tưởng của người dân đối với Đảng, chính quyền. Đến nay, đã có 1.038 hộ nghèo được hỗ trợ 11,4 tỷ đồng xóa nhà tạm. Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, thông qua các chương trình, dự án người dân đã đầu tư vốn, giống, phân bón, áp dụng KHKT giúp cho sản lượng lương thực cây có hạt 5 năm đã tăng 50% (năm 2008 đạt gần 18.240 tấn, năm 2013 đạt trên 27.600 tấn). Toàn huyện đã thực hiện giao gần 9.700ha đất rừng, đất lâm nghiệp; trồng được hàng nghìn ha rừng tập trung, rừng nguyên liệu với tổng kinh phí giải ngân 17,2 tỷ đồng. Một số mô hình kinh tế mới đã xuất hiện, như chăn nuôi lợn rừng ở Tuấn Đạo; thỏ thương phẩm, hươu sao ở Quế Sơn; tắc kè ở Long Sơn… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng cây chè Bát Tiên ở thị trấn Thanh Sơn, trồng cây ba kích ở Tuấn Đạo đã góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đồng hành cùng các chương trình, chính sách giảm nghèo của Chính phủ, NHCSXH huyện Sơn Động càng làm càng hiệu quả. Nét nổi bật trong năm 2014, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thí điểm Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, việc quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, nguồn vốn ưu đãi được phân bổ linh hoạt, kịp thời, đúng đối tượng; nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn đọng cũng như các vướng mắc ở cơ sở được giải quyết kịp thời, khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, tăng thêm vai trò chỉ đạo và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Hiện nay, NHCSXH huyện Sơn Động đang triển khai cho vay 10 chương trình tín dụng với dư nợ trên 280 tỷ đồng, toàn huyện chỉ có 600 triệu đồng nợ quá hạn, giảm 274 triệu đồng so với năm 2013.

An Lạc là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Động, được thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ. Xã có 789 hộ, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 78%. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chu Thị Lý cho biết, hội luôn tuyên truyền vận động chị em thực hiện nhiệm vụ: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập”. Để thực hiện được điều đó, hội đã nhận ủy thác với NHCSXH 6,7 tỷ đồng cho 425 chị em vay phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, vận động chị em tham gia gửi tiền tiết kiệm, 12/12 Tổ tiết kiệm và vay vốn của hội đã có 400 chị em tham gia, gửi được trên 70 triệu đồng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện tiếp tục huy động các nguồn lực nâng cấp, hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Sơn Động phấn đấu đến năm 2019 gần 100% thôn, bản có điện, 95% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 85% các xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đến thôn, bản. Nghị quyết 30a đã và đang từng bước đi vào cuộc sống người dân vùng cao Sơn Động.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác