Nghĩa Hành xây dựng nông thôn mới
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức On, nhằm thúc đẩy công tác xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, Nghĩa hành đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã; 11 Ban quản lý chương trình tương ứng 11 xã; 78 Ban phát triển thôn. Các xã đều rà soát thực trạng 19 tiêu chí của xây dựng nông thôn mới, từ đó có kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí, từng nhóm tiêu chí. Nhờ sự phối hợp đồng bộ, hơn 3 năm qua huyện đã huy động được gần 950 tỷ đồng tập trung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn Trung ương gần 50 tỷ đồng, vốn tín dụng 820 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 37 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân trên 40 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã mở rộng, nâng cấp 116km đường thôn, xã; xây dựng 78km đường điện chiếu sáng thôn làng, ngõ xóm; kiên cố 3,5km kênh mương thủy lợi; xây mới hàng chục phòng học cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa các xã Hành Thịnh, Hành Thiện; xây mới trạm y tế xã Hành Phước, thị trấn Chợ Chùa… Huyện đã hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới, Đề án quy hoạch chung ở 11/11 xã, mở 38 lớp dạy nghề cho trên 1.300 học viên. “Thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới là khơi dậy được sức dân”, ông On khẳng định. Hơn 3 năm qua nhân dân Nghĩa hành đã tự nguyện hiến gần 12ha đất làm đường giao thông, tháo gỡ hơn 2km tường rào, cổng ngõ và hàng nghìn cây xanh, hoa màu các loại. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp gần 2.000 ngày công và hơn 16 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Huyện đã tập trung quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá theo lợi thế từng địa phương; mở 38 lớp dạy nghề có trên 1.300 học viên theo học các nghề. Nhiều mô hình kinh tế ra đời; các xã Hành Minh, Hành Thiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn; Hành Dũng, Hành Phước sản xuất lúa giống. Xã Hành Minh còn thực hiện mô hình cà chua ghép đem lại hiệu quả cao… Phát huy hiệu quả nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% số xã ở Nghĩa Hành cơ giới hóa khâu làm đất. Nhờ có vốn hỗ trợ sản xuất, nhiều xã đã mua thêm máy phay đất tăng thêm tỷ lệ cơ giới hóa, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo nhận định một cán bộ huyện Nghĩa Hành thì giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là “hai trong một”, bởi không thể xây dựng nông thôn mới ở một huyện nghèo, xã nghèo. Năm 2014, cùng với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, NHCSXH huyện đạt tổng dư nợ 180 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với năm 2013, tạo điều kiện cho hơn 8.500 hộ có vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Tâm ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh là một ví dụ. Trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào tiền làm thuê. Thông qua Hội Phụ nữ, chị được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng để chăn nuôi. Chị mua 1 con trâu, vài chục con gà. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cộng với trồng trọt, đến nay gia đình chị có hơn 200 con gà, 25 con trâu, bò và rừng keo xanh tốt đến kỳ thu hoạch. Bằng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, hàng năm gia đình chị thu nhập trên trăm triệu đồng. Nhờ đó, chị Tâm không những thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng, mà còn tích lũy được vốn sản xuất, có tiền nuôi con ăn học. Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần tích cực “kéo” tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2014 xuống còn 9,5%, thấp hơn 10% so với năm 2011.
Chủ tịch huyện cho biết theo kế hoạch, Nghĩa Hành phấn đấu đến năm 2015 được công nhận là huyện nông thôn mới. Mục tiêu này đang được cả hệ thống chính trị và người dân trong huyện nỗ lực thực hiện trên quan điểm nhất quán “xây dựng nông thôn mới dựa vào sức dân, với cái đích cuối cùng là sự hài lòng của người dân”. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Nghĩa Hành rất mong UBND tỉnh và các Sở, ngành quan tâm hỗ trợ huyện khắc phục các công trình thủy lợi đảm bảo nước phục vụ sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tăng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa phương, tạo tiền đề phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Bài và ảnh Khánh Hồ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cao Phong tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội
- » Ngành Ngân hàng năm 2014: 10 sự kiện đáng nhớ
- » Đồng vốn trợ lực vượt ngưỡng nghèo
- » Hộ nghèo ở Phú Yên được vay vốn xây nhà phòng, tránh bão, lụt
- » Huyện Ba Bể hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách
- » Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống
- » Thái Bình thực hiện giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới
- » Vay vốn được “khuyến mãi” kiến thức
- » Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Điện Biên
- » Giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Quảng Ngãi