Cao Phong tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội

06/01/2015
(VBSP News) Cao Phong là huyện miền núi nằm ở Tây Bắc tỉnh Hòa Bình, được tách ra từ huyện Kỳ Sơn tháng 3/2002. Huyện có 12 xã và 1 thị trấn. Dân số 4,3 vạn người, với 3 dân tộc Mường (gần 71%), Kinh (26%), Dao (2,76%). Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển huyện đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đây là cơ sở và tiền đề vững chắc để Cao Phong giảm nghèo bền vững...
Ba năm qua cam Cao Phong liên tục được mùa, được giá

Ba năm qua cam Cao Phong liên tục được mùa, được giá

Cao Phong có diện tích tự nhiên 25.437ha, diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp trên 5.000ha, khí hậu mát mẻ, tầng đất canh tác dày, độ phì cao. Là một huyện mới tách, cơ sở vật chất còn thiếu, không có lợi thế về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhưng có nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi, huyện xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn, góp phần to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 5/2006, huyện ủy Cao Phong đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển cây ăn quả và cây công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020. Trong đó, ưu tiên phát triển 2 loại cây trồng chính là cây mía tím và cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi). Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngoài công tác vận động, tuyên truyền, hoạt động chuyển giao KHKT cho bà con nông dân được triển khai bằng nhiều kênh, như: tổ chức các buổi tham quan, thực địa; mở lớp tập huấn trồng cam thông qua 3 “cửa” là Trung tâm dạy nghề huyện, Trạm khuyến nông, khuyến lâm và một số dự án phát triển nông nghiệp của các tổ chức phi Chính phủ. Những hệ thống thủy lợi lớn như hồ Đắc Tra và Tân Phong được cấp kinh phí lớn để cải tạo nâng cấp đồng bộ. Nông dân chủ động đầu tư công nghệ trữ nước, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt. Trải qua 8 năm, “cú hích” từ một Nghị quyết góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp của huyện theo hướng hiện đại.

Cao Phong đã giải được bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để giảm nghèo bền vững?. Đó là cây mía tím, cây cam, quýt; chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), là những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, sản xuất hàng hóa. Đối với cây cam, quýt diện tích tăng nhanh qua các năm, giá trị năm sau tăng cao so với năm trước. Năm 2006, toàn huyện chỉ có 1.614ha mía tím, đến năm 2011 tăng lên 2.662ha. Diện tích này được duy trì ổn định cho các năm tiếp theo. Giá trị thu được 160 - 180 triệu đồng/ha/năm với lãi ròng 50%. Diện tích cam, quýt năm 2006, toàn huyện chỉ có 270ha, sản lượng 2.000 tấn. Năm 2014 tăng lên 1.200ha, trong đó có gần 600ha kinh doanh, sản lượng ước đạt 16.500 tấn. Tăng 14.500 tấn so với năm 2006. Theo tính toán của nông dân Cao Phong, thu nhập trung bình khoảng 600 triệu đồng/ha cam. Nhờ sự chỉ đạo và thực hiện cơ cấu giống hợp lý, bao gồm các loại giống chín sớm, chín chính vụ, chín muộn sản phẩm cam Cao Phong đã kéo dài được thời vụ thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, giá trị hàng hóa được nâng cao. Định hướng đến năm 2017, huyện sẽ duy trì diện tích cam 1.500ha (tăng 300ha so với hiện tại), sản lượng 20.000 tấn, giá trị thu nhập trên 500 tỷ đồng/năm.

Theo ông Võ Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện, đạt được kết quả trên có sự đầu tư không nhỏ của ngành Ngân hàng. Hiện nay, với dư nợ đạt gần 145 tỷ đồng, nguồn vốn của NHCSXH chiếm trên 30% tổng nguồn vốn đầu tư vào Cao Phong. “Với chính sách tín dụng ưu đãi, những năm qua 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Cao Phong có đủ điều kiện và nhu cầu đều được vay vốn NHCSXH để đầu tư vào sản xuất và kinh doanh.

Từ nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo đã mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên, góp phần giảm nghèo bền vững”, ông Việt nói. NHCSXH huyện Cao Phong đang cho vay 10 chương trình, trong đó dư nợ hộ nghèo cao nhất trên 54 tỷ đồng, tiếp đến cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 29 tỷ đồng; HSSV trên 19 tỷ đồng… Hiệu quả đồng vốn tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối trượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, gia đình ông Bùi Đức Hậu ở xóm Ong 2, xã Nam Phong có 4 nhân khẩu, trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2011, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng để trồng mía, cam. Sau 3 năm, nhờ lao động cần cù, chịu khó, đến nay ông Hậu đã có 4.000m2 trồng cam, bưởi; 1,4ha mía tím, năm 2013 thu nhập gần 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Hai cây trồng chính đã góp phần tích cực giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập và làm giàu cho nhiều hộ nông dân huyện Cao Phong. Từ năm 2009 đến nay kinh tế huyện tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá (13%/ năm), thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng năm 2006 tăng lên 21,7 triệu đồng/người năm 2014; sản lượng lương thực ổn định, bình quân đạt 353kg/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới) từ 23,67% năm 2011, giảm xuống còn 19,8% năm 2013. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện, nhiều chính sách xã hội hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được triển khai, phát huy hiệu quả. Từ một huyện nghèo, Cao Phong đang giàu lên nhờ cam, quýt.

Bài và ảnh Vọng Phố

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác