Hoà Bình gắn tín dụng chính sách với xây dựng nông thôn mới
Tiêu biểu là việc các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác cho vay vốn chính sách ở tỉnh Hoà Bình đã triển khai tới cơ sở, rà soát đến tận hộ dân trong việc vay vốn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như Hội Nông dân các cấp nơi đây đã làm tốt vai trò cầu nối giữa NHCSXH với các hội viên nông dân, tạo điều kiện thuận lợi giúp gần 30 nghìn hộ dân thông qua 814 Tổ tiết kiệm và vay vốn vay trên 446 tỷ đồng vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo. Hay như Ban Dân tộc ở tỉnh thời gian qua đã tiến hành rà soát, tổng hợp số hộ nghèo để được hưởng chính sách mới của Nhà nước là vay vốn ưu đãi với lãi suất có 0,1% dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Cùng với việc giải ngân kịp thời hơn 40 tỷ đồng tới 5037 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, NHCSXH các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn, Cao Phong… (Hoà Bình) còn đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Đáng kể về Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Dụ 6, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn đã có 37/48 tổ viên được vay 396 triệu đồng vốn ưu đãi của chương trình này để phát triển kinh tế gia đình. Hầu hết các hộ đã sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, thực hiện trả nợ, nộp lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn, không có tình trạng nợ quá hạn hoặc xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Gia đình ông Hà Văn Đoàn là 1 trong số thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Dụ 6 được vay 28 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã đầu tư trồng 3ha rừng keo lá chàm để đến ngày nay vào kỳ khai thác, thu ngót nghét 200 triệu đồng.
Còn hộ chị Trương Thị Tám ở thôn Hải Phong, xã Bắc Phong, đã dùng số tiền vay của NHCSXH huyện Cao Phong thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản. Số tiền vay tuy không nhiều (20 triệu đồng) so với nhu cầu sản xuất nhưng đã hỗ trợ đúng lúc, giúp chị Tám mua giống cây tốt, phân bón thâm canh vườn cam đường canh, cam lòng vàng rộng 9.000m2. “Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ mà kế hoạch sản xuất của gia đình mới thực hiện trọn vẹn. Thời hạn vay 3 năm cũng đủ để tôi có thời gian tích luỹ, mở mang sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, chị Tám chia sẻ.
Hiện nay, chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn ở huyện Cao Phong đạt 29 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng dư nợ nguồn vốn chính sách trên địa bàn. Theo đánh giá của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, NHCSXH các huyện, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để phát huy hiệu quả của từng chương trình tín dụng. Đáng kể là thủ tục cho vay ngày càng đơn giản, giảm giấy tờ không cần thiết, tránh sự rườm rà, phiền hà. Công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác đã chặt chẽ hơn, giúp việc giải ngân đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt hiệu quả thiết thực và gắn công tác tín dụng chính sách với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Bùi Hoàng Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng vốn trợ lực vượt ngưỡng nghèo
- » Hộ nghèo ở Phú Yên được vay vốn xây nhà phòng, tránh bão, lụt
- » Huyện Ba Bể hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách
- » Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống
- » Thái Bình thực hiện giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới
- » Vay vốn được “khuyến mãi” kiến thức
- » Về nơi “rốn nghèo” tỉnh Điện Biên
- » Giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Quảng Ngãi
- » Khi người nghèo có vốn ưu đãi
- » Điểm tựa cho bà con Khmer nghèo