Tăng cơ hội vay vốn để nông dân thoát nghèo bền vững

13/01/2015
(VBSP News) Với 3 lần được vay vốn từ NHCSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Khanh ở thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã dần thoát khỏi cái nghèo. Chỉ năm nay thôi, sau khi trả nợ đúng kỳ hạn, dự kiến gia đình chị sẽ thoát nghèo và không còn nằm trong diện được vay vốn ưu đãi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cơ ngơi chuồng trại mà vợ chồng chị đang gây dựng nhờ nguồn vốn ưu đãi sẽ gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, điều mà chị Khanh cũng như nhiều hộ nông dân trong cả nước đang băn khoăn là sắp tới khi hết đợt vay, gia đình chị đã thoát nghèo thì sẽ tiếp tục sản xuất thế nào?
Gia đình chị Đào Thị Thiện ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn mạnh dạn vay vốn ưu đãi trồng nấm rơm

Gia đình chị Đào Thị Thiện ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn mạnh dạn vay vốn ưu đãi trồng nấm rơm

Thực tế, nếu không có NHCSXH cho vay vốn ưu đãi, mà đi vay các Ngân hàng thương mại thì bản thân những hộ nông dân như gia đình chị Khanh không đáp ứng đủ điều kiện. “Hiện tại tôi đang nuôi 2 con ăn học rất tốn kém và tôi luôn phải nghĩ cách làm sao kiếm đủ tiền để vừa nuôi gia đình đủ ăn và đủ kinh phí cho con cái học hành. Cho nên, tôi mong muốn chính sách cho vay đối với hộ mới thoát nghèo sớm được thực hiện để vợ chồng tôi có thêm cơ hội phát triển kinh tế”, chị Khanh nói. 

Một tin vui đối với những người nông dân như chị Khanh là Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH đã được NHNN công bố. Thông tin này đang được nhiều nông dân kỳ vọng sẽ mang lại cho họ cơ hội rời xa hẳn với cái nghèo.

Anh Ngô Minh Quang ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cũng hồ hởi chia sẻ: “Nếu những hộ mới thoát nghèo mà được tiếp tục vay vốn chính sách thì cơ hội rời xa hẳn cái nghèo là rất lớn. Nông dân nghèo luôn cần sự hỗ trợ từ chính sách, nếu cho người mới thoát nghèo được vay vốn thêm thì cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm cho họ một cơ hội làm giàu chính đáng”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Tiến Ngô Xuân Chỉ, việc cho vay hộ mới thoát nghèo là cần thiết. Thực tế trên địa bàn xã có tới trên 20% số hộ nông dân sau khi thoát nghèo đã tái nghèo trở lại do thiếu vốn sản xuất. “Vậy, chúng ta muốn họ rời xa hẳn cái nghèo, chúng ta phải giúp họ “bứt” hẳn ra khỏi nó bằng cách cho họ vay thêm để họ có điều kiện củng cố thêm nguồn vốn cho gia đình để thoát nghèo bền vững”.

Cùng chung quan điểm với Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Tiến, Chủ tịch Hội CCB thị xã Sơn Tây Vũ Văn Đồng cho rằng, nhu cầu thoát nghèo, làm giàu của nông dân ngày càng nhiều trong khi vốn ưu đãi có hạn. Trong khi đó, thủ tục vay tại các Ngân hàng thương mại khắt khe và thường đòi hỏi có tài sản thế chấp. Đó là “rào cản” khiến các hộ mới thoát nghèo khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Chính vì thế, việc tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo được vay thêm chu kỳ nữa là cần thiết để giúp họ thoát nghèo bền vững.

Giám đốc NHCSXH huyện Sóc Sơn Nguyễn Trung Sơn cũng trăn trở: Với những hộ vừa mới thoát nghèo mà không tạo thêm cơ hội cho họ phát triển kinh tế thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Vì thế không chỉ những cán bộ NHCSXH mà cả nhiều người dân đều mong đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH sẽ sớm được thực hiện và đi vào cuộc sống để người nghèo sẽ không còn lo nghèo nữa. 

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý khẳng định, thực tế nhiều năm thực hiện chương trình giảm nghèo, đặc biệt là thông qua giải pháp tín dụng ưu đãi của Chính phủ thì có một “khoảng trống” đó là hộ mới thoát nghèo không được tiếp tục thụ hưởng chính sách ưu đãi cũng như không còn đủ tiêu chuẩn để tiếp cận đầy đủ các chính sách tín dụng khác, dẫn đến làm giảm tác dụng của các giải pháp giảm nghèo nên giảm nghèo không bền vững, nhiều hộ tái nghèo. Trước thực tế đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH đã phản ánh và Chính phủ nắm được thực tế này, tuy nhiên Chính phủ mới chính thức giao cho NHNN xin ý kiến các Bộ, ngành và nhân dân về chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.

“Nếu được thực hiện tín dụng chính sách cho hộ mới thoát nghèo thì đây là bước phát triển cao trong các giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ trương này được toàn xã hội cũng như NHCSXH hoan nghênh và ngân hàng sẽ đi đầu trong việc thực hiện chính sách này”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý nói.

Chính sách này được thiết kế theo hướng giảm ưu đãi về lãi suất, tăng ưu đãi về phục vụ. Cụ thể, hộ mới thoát nghèo vay vốn chương trình này sẽ được ưu đãi từ sự phục vụ của NHCSXH và được hưởng sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để tiếp cận vốn thuận lợi nhất. Đối tượng mới thoát nghèo sẽ được các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại từng thôn, bản… bình bầu, giúp đỡ thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật, cách thức làm ăn. Với sự hỗ trợ của các tổ chức hội, đoàn thể, người dân nương tựa nhau, hỗ trợ nhau, tiếp tục vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Để bảo đảm nguồn lực cho chương trình, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cho biết, Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 đã được Chính phủ thông qua và NHCSXH cũng đã chuẩn bị cho sự phát triển dài hạn.

Bài và ảnh Đỗ Huyền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác