Hà Nội là thủ đô trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước, đồng thời cũng là địa bàn chịu sức ép khá lớn về vấn đề giảm nghèo cũng như tạo việc làm. Vì vậy, việc NHCSXH từ thành phố đến quận, huyện sớm được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, không những đáp ứng lòng mong muốn của lãnh đạo các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân mà đã thực sự trở thành công cụ quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô hòa bình.
Trải qua 12 năm xây dựng và phát triển liên tục, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, những cán bộ ở tất cả 25 Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã thuộc TP. Hà Nội đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bền bỉ chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến khắp làng quê nghèo miền núi Ba Vì, vùng bán sơn địa Sóc Sơn, khu đồng chiêm trũng Ứng Hòa, Chương Mỹ, phố nhỏ Long Biên… Đến 30/9/2014, NHCSXH TP. Hà Nội đã triển khai cho vay 11 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 4.564 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so với thời điểm mới thành lập (ảnh 1, 2, 3 và 4).
Cuộc hành trình của đồng vốn ưu đãi đã tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho trên 1.190 nghìn lượt hộ dân nghèo nội và ngoại TP. Hà Nội sản xuất, kinh doanh góp phần giúp đỡ hơn 180 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm ổn định cho trên 415 nghìn lao động, tiếp sức cho khoảng 130 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên con đường học tập, lập thân lập nghiệp (ảnh 5, 6, 7, 8 và 9).
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Hà Nội cho biết: Thành tích nổi bật của NHCSXH là đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập được nguồn vốn lớn để thực hiện tốt việc cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nhèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Việc phát triển nguồn vốn theo cơ cấu tăng dần tỷ trọng vốn nhận uỷ thác đầu tư tại địa phương và khai thác triệt để nguồn vốn có lãi suất thấp, nguồn tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn… để triển khai cho vay tại chỗ đang là hướng đi đúng đắn đối với sự phát triển bền vững và lâu dài của NHCSXH TP. Hà Nội (ảnh 10, 11, 12 và 13).
Những thành quả trên đã phần nào minh chứng hiệu quả to lớn của nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đầu tư cho Thủ đô, qua đó phản ánh sự nỗ lực công tác tập thể cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH TP. Hà Nội (ảnh 14).