Dù cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 60km, có Khu công nghiệp và Khu chế xuất hiện đại cùng với những ruộng ngô, đồng lúa bằng phẳng quanh năm tươi tốt, nhưng tỉnh Bắc Giang lại thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc bởi có tỷ lệ rừng và đất lâm nghiệp rộng lớn, bao quanh cả 6 huyện: Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, được mọi người quen gọi là vùng đồi.
Vùng đồi Bắc Giang ở vào thời điểm năm 2008 còn nhiều gian khó, kinh tế chậm phát triển; riêng huyện rẻo cao Sơn Động có số hộ nghèo cao ngất ngưởng 52% nên được xếp trong tốp 62 huyện nghèo nhất nước, nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ. Song mấy năm gần đây, Bắc Giang đã và đang chuyển động mạnh mẽ, đổi thay diện mạo từng ngày bởi được sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực, phấn đấu của lãnh đạo, nhân dân địa phương cùng với sự đóng góp của đồng vốn tín dụng chính sách.
Đến nay, vùng đồi Bắc Giang đã triển khai tới 11 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ gần 2.670 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho trên 70 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay (ảnh 1 và 2). Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích nên tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm rõ rệt, từ 12,11% năm 2012 xuống còn 10,44% năm 2013; tiềm năng lao động, đất đai cũng được khai thác triệt để và xuất hiện khá nhiều điển hình, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, làm nên thương hiệu vùng đồi Bắc Giang trên con đường giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới (ảnh 3, 4 và 5).
Đó là việc đồng vốn chính sách đã chung tay góp sức phủ kín hơn 60 nghìn hec-ta đồi đất dọc Quốc lộ từ huyện Lục Nam, băng qua Lục Ngạn và bao bọc các làng quê trung du ở huyện Tân Yên, Yên Thế và Lạng Giang bát ngát những vườn cam Đường Canh, vải thiều, hồng không hạt, dứa vàng, hàng năm giúp cho hàng vạn hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS có thêm việc làm, tăng thu nhập (ảnh 6, 7, 8, 9, 10 và 11).
Ngày nay, đông đảo bà con nghèo khó vùng đồi Bắc Giang còn mạnh dạn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở mang ngành nghề truyền thống, thoát nhanh cảnh nghèo khó, gây được tiếng vang từ “Gà đồi Yên Thế”, “Mỳ Chũ”… (ảnh 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18). Đạt được kết quả trên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh là nhờ có sự “chung sức” từ nhiều Sở, ban ngành, trong đó đáng kể đến sự phối hợp đồng bộ của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi. Thông qua mối quan hệ này, NHCSXH tỉnh tổ chức xây dựng mạng lưới 244 Điểm giao dịch tại 100% số xã, phường với 4.167 Tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi về đúng đối tượng được thụ hưởng, từ đó “đánh thức” vùng đất khó khăn, tiếp sức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên làm chủ cuộc sống, dựng xây quê hương giàu mạnh.