Khi cán bộ tín dụng làm dân vận

06/01/2015
(VBSP News) Với những món vay nhỏ lẻ, không có tài sản bảo đảm nhưng tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH lại ở mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, chỉ 0,41% trên tổng dư nợ 129.456 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2014.

(ảnh 1) Khi cán bộ tín dụng làm dân vận

Không chỉ để làm đẹp cho các báo cáo tài chính, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được bảo toàn còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế về mặt xã hội. Vốn cho vay phát huy hiệu quả nghĩa là có thêm các hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và diện chính sách khác đã vươn lên trong phát triển kinh tế. Quan trọng hơn là họ đã biết sử dụng vốn vay làm kinh tế, có ý thức trả nợ Nhà nước chứ không còn trông chờ ỷ lại vào việc xin cấp không. Đặc biệt hơn nữa, vốn vay trả nợ đúng hạn sẽ được quay vòng để có thêm nhiều hộ nghèo nữa được vay vốn, được tạo “cần câu” để thoát nghèo.

Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh (thứ hai, từ phải sang) kiểm tra sổ vay vốn của hộ bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đồng Lạc, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ

Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh (thứ hai, từ phải sang) kiểm tra Sổ vay vốn của hộ bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đồng Lạc, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ

Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Để thực hiện tốt công tác điều hành hoạt động tín dụng, quản lý nợ, nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo an toàn nguồn vốn; hàng năm chi nhánh tổ chức kiểm tra toàn diện 100% các Phòng giao dịch, tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, chỉ đạo các Phòng giao dịch thường xuyên kiểm tra đối chiếu nợ và các biện pháp khác theo quy định của NHCSXH.

Với đặc thù là những món vay nhỏ lẻ, không phải thế chấp tài sản bảo đảm, nhưng cán bộ NHCSXH vẫn về tận xã giao dịch hằng tháng với bà con

Với đặc thù là những món vay nhỏ lẻ, không phải thế chấp tài sản bảo đảm, nhưng cán bộ NHCSXH vẫn về tận xã giao dịch hàng tháng với bà con

Năm 2014, chi nhánh đã tích cực, quyết liệt trong việc chỉ đạo các Phòng giao dịch thực hiện xây dựng và tổ chức phương án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với các xã có nợ quá hạn trên 1%, các xã nợ quá hạn trên 0,5% nhưng có xu hướng chất lượng tín dụng giảm thấp. Các Phòng giao dịch có xã nợ quá hạn cao phải phân tích thực trạng, xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể, chi tiết đến từng khoản nợ, từng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Phòng giao dịch cam kết thời gian hoàn thành chỉ tiêu gửi NHCSXH tỉnh phê duyệt, quyết toán. Hàng tháng, NHCSXH tỉnh rà soát các xã có nợ quá hạn trên 0,5%, thông báo đến từng Phòng giao dịch để có giải pháp phối hợp, phân tích nguyên nhân, áp dụng các biện pháp củng cố chất lượng.

Mô hình trang trại nuôi cá, vịt của gia đình anh Trần Đình Nhu ở huyện Nghi Xuân có sử dụng vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH

Mô hình trang trại nuôi cá, vịt của gia đình anh Trần Đình Nhu ở huyện Nghi Xuân có sử dụng vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH

Để thực hiện đúng những quy định đã đề ra, yếu tố con người luôn là tiên quyết. Bởi vậy, kết quả có được của chi nhánh chính là nhờ vào nỗ lực làm việc tận tâm, nhiệt tình, đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tín dụng. Ông Trần Toại Nguyện - Giám đốc NHCSXH huyện Đức Thọ chia sẻ: “Cán bộ tín dụng phải sâu sát với cơ sở, nắm thông tin chính xác, trực tiếp vận động các hộ vay có nợ quá hạn”. Những câu chuyện của cán bộ NHCSXH xuống cơ sở vì thế mà giống công tác dân vận hơn là làm nghiệp vụ tín dụng. Còn các hộ vay vốn sau khi thoát nghèo trả hết nợ vẫn nhớ đến cán bộ ngân hàng như người thân trong gia đình.

Cán bộ NHCSXH huyện Hương Khê kiểm tra một hộ gia đình vay vốn xây dựng nhà chòi tránh lũ ở xã Phương Mỹ

Cán bộ NHCSXH huyện Hương Khê kiểm tra một hộ gia đình vay vốn xây dựng nhà chòi tránh lũ ở xã Phương Mỹ

Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cũng đã làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Hàng năm, chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác NHCSXH được các tổ chức hội, đoàn thể đưa vào đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng đối với hội, đoàn thể cấp dưới. NHCSXH phối hợp với UBND cấp xã chuyển dư nợ sang tổ chức hội, đoàn thể khác quản lý đối với các hội, đoàn thể thiếu quan tâm, chất lượng tín dụng thấp. Chính nhờ giải pháp này đã tạo nên phong trào “xã không nợ xấu”. Như ông Hoàng Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, khoe với chúng tôi: “Toàn xã có 20 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 20 tỷ đồng và không có nợ quá hạn. Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp các hộ dân mở mang thêm nhiều ngành nghề, nhiều học sinh được chắp cánh giấc mơ học cao đẳng, đại học… Thu nhập bình quân đầu người của xã từ 14 triệu đồng/năm 2010 đã tăng lên 23 triệu đồng/năm 2014”.

Bài và ảnh Mai Khôi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác