Mang niềm vui đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, công việc đối với chị Phạm Thị Lan ở thôn Tam Lạc, xã Vũ Lạc, TP. Thái Bình, dường như càng bận hơn. Chồng mất sớm, một mình chị phải lo cuộc sống cho bố mẹ đã già yếu và các con đang trong độ tuổi ăn học. Chị Lan tâm sự: “Một ngày đối với tôi thường bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc vào lúc 23 giờ, nhiều khi “không dám ốm” bởi nếu ốm thì biết lấy gì nuôi bố mẹ và các con”. Nhà chỉ có 4 sào ruộng nên chị Lan phải thuê thêm 1,1 mẫu ruộng để cấy, ngoài ra chị còn chăn nuôi thêm 40 con gà, 2 con lợn nái. Không những thế, tranh thủ mọi thời gian nhàn rỗi, chị Lan còn làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập. Hai năm nay, nhờ có sự hỗ trợ của NHCSXH tỉnh nên gia đình chị Lan mới đỡ lo về kinh tế, việc học của các con không bị gián đoạn, nhất là khi người con lớn trúng tuyển đại học. “Là người nông dân nên tôi hiểu rõ sự vất vả, nhọc nhằn. Chính vì thế, tôi đã cố gắng cho con ăn học để sau này có việc làm, thu nhập ổn định. Tôi thật sự không biết xoay xở thế nào nếu không có sự hỗ trợ của NHCSXH”, chị Lan tâm sự thêm.
Bà Phạm Thị Hội ở phường Phú Khánh, TP. Thái Bình được bình xét cho vay 5 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Với số tiền đó, bà Hội đã dùng để phát triển chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Ðến nay, qua NHCSXH tỉnh, bà Hội đang được vay 43 triệu đồng từ chương trình cho vay HSSV cho con gái út Nghiêm Thị Phương Thảo học đại học Dược. Bà Hội tâm sự: “Chúng tôi mừng lắm khi Ðảng và Chính phủ đã có những chính sách rất hợp với lòng dân, nhờ đó tôi đã bớt một phần lo lắng về chi phí ăn học cho con”.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình Vũ Văn Thuân, cho biết: Hiện nay, chi nhánh đang thực hiện cho vay 7 chương trình với tổng dư nợ gần 2.100 tỷ đồng cho gần 110 nghìn khách hàng vay. Các chương trình có dư nợ cao như: HSSV với dư nợ 742 tỷ đồng; hộ cận nghèo đạt 650 tỷ đồng; NS&VSMTNT đạt 494 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: mô hình cánh đồng lúa Nhật ở xã Song An, huyện Vũ Thư; cánh đồng trồng ớt xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ,… duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống như: nghề dệt, thêu, mây tre đan, mộc, chế biến nông sản…; xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như: cơ giới hóa nông nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện môi trường… Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã cải thiện được cuộc sống, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
12 năm qua, từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, NHCSXH tỉnh Thái Bình đã giúp gần 36 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; thu hút và tạo việc làm mới cho hơn 70 nghìn lao động; hơn 81 nghìn HSSV vay vốn để hiện thực ước mơ đến trường; gần 42 nghìn hộ xây dựng được công trình nước sạch; gần 53 nghìn hộ xây dựng được công trình vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2013 là 4,55%, hộ cận nghèo là 3,52%, đến hết năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,32%, hộ cận nghèo 3,34%. |
Ðể tiếp thêm niềm vui cho người nghèo và các đối tượng chính sách, thời gian tới, NHCSXH tỉnh Thái Bình tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 theo Quyết định số 852/QÐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội; nâng cao toàn diện công tác quản lý và giải ngân vốn tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng được thụ hưởng sớm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; thực hiện công khai, minh bạch về lãi suất, mức vay và đối tượng vay ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh tăng cường tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi để người dân hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm khi được vay vốn chính sách. Ðồng thời phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai các hoạt động vay và thu hồi nợ đúng quy định; hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Báo Thái Bình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Lào Cai
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
- » Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Quỳnh Phụ với nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Bình Liêu phát huy nội lực thoát nghèo
- » Tăng cơ hội vay vốn để nông dân thoát nghèo bền vững
- » Quảng Ngãi: Hơn 160 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo xây nhà tránh bão
- » Khi cán bộ tín dụng làm dân vận
- » Ngày hẹn cho vay vốn hộ nghèo