Thái Thụy phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách
Ông Vũ Văn Thuân - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình cho biết, hiện tại NHCSXH huyện Thái Thụy đang triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt 314 tỷ đồng, đứng thứ hai toàn tỉnh, sau huyện Tiền Hải với 14 nghìn khách hàng còn dư nợ, trong đó, Chương trình cho vay HSSV có dư nợ cao nhất, hơn 140 tỷ đồng, tiếp đến là hộ nghèo 81 tỷ đồng, NS&VSMTNT 52 tỷ đồng,…
Đạt được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, NHCSXH huyện Thái Thụy đã xây dựng các giải pháp chính nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi. Cùng với việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác chỉ đạo điều hành, NHCSXH còn tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi để mọi người dân cùng biết và thực hiện. Đơn cử như sau khi Chính phủ ban hành Quyết định nâng mức cho vay, hạ lãi suất một số chương trình tín dụng, NHCSXH huyện Thái Thụy đã kịp thời tổ chức tập huấn cho cán bộ tín dụng, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, các Trưởng thôn, Trưởng Ban giảm nghèo cấp xã và lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; đồng thời chủ động về nguồn vốn và tiến hành giải ngân ở tất cả 44 xã, thị trấn, kể cả 5 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển của huyện, đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi của các đối tượng được thụ hưởng.
Cùng với việc thường xuyên nâng cao chất lượng các cuộc họp giao ban công tác tín dụng tại xã, phát huy tối đa vai trò của lãnh đạo của các ban, ngành, đoàn thể cơ sở, NHCSXH huyện Thái Thụy còn chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc vay vốn và sử dụng vốn vay ưu đãi vào phát triển sản xuất, giảm nghèo cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác cho vay vốn chính sách.
Ông Bùi Sĩ Kiệm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Quỳnh, cho biết: Hội cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác phối hợp chặt chẽ với NHCSXH chỉ đạo, hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng vay vốn chính sách, mặc khác đã trực tiếp đến từng hộ gia đình đôn đốc thu nợ gốc và lãi, xử lý nghiêm minh, những sai phạm trong vay vốn và những trường hợp cố tình chây ì việc trả nợ vốn vay. Đến cuối tháng 10/2014, riêng 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã quản lý đã có số dư nợ 1,42 tỷ đồng với 81 hộ vay, không có hộ hội viên nào nợ quá hạn.
Theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Duy Nhưng - một trong những thành viên vay vốn có hiệu quả của Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân thôn Đông Hoà, xã Hồng Quỳnh quản lý. Ông Nhưng tâm sự: “Được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo cách đây 3 năm, vừa đây lại được vay bổ sung 20 triệu đồng nữa của chương trình hộ cận nghèo theo Quyết định mới về nâng mức vay, hạ lãi suất của Nhà nước, gia đình tôi phấn khởi lắm. Với số vốn vay ưu đãi đó, vợ chồng tôi dồn sức đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng đàn gia súc, gia cầm. Nhờ sự tiếp sức của đồng vốn chính sách, nay gia đình ông Nhưng nuôi được 50 con lợn giống, 300 con ngan, 4 sào thả các loại cá trắm, trôi, chép… “Cuối năm nay chắc chắn gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng, vừa trả hết nợ, nộp đủ lãi cho ngân hàng, vừa tích luỹ tiếp tục phát triển quy mô chăn nuôi hàng hóa”, ông Nhưng vui vẻ nói.
Để đảm bảo tăng trưởng dư nợ đã được duyệt ngay từ đầu năm, những tháng còn lại của năm 2014, NHCSXH huyện Thái Thụy đang tích cực cho vay các chương trình tín dụng còn lại, thực hiện tốt công tác tập huấn tín dụng chính sách nhằm trang bị kiến thức cơ bản, những quy định mới, nhất là các quy định trong việc bình xét đối tượng cho vay, làm cho đồng vốn phát huy hiệu quả, góp phần giúp địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng thành công nông thôn mới.
Bài và ảnh Trần Văn Đởng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo tri thức
- » Đề nghị nâng mức cho vay giải quyết việc làm
- » Gieo vốn nơi cuối trời Tây Bắc
- » Nâng mức cho vay, thêm cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Tín dụng ưu đãi đến với nông dân nghèo
- » Chuyện thoát nghèo ở vùng Bắc Tây Nguyên
- » Có thêm nguồn tín dụng cho nông hộ
- » Đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế
- » Vốn đến kịp thời, nông dân vượt khó
- » Cần “bàn đạp” để dứt hẳn đói nghèo