Nguồn vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo

21/01/2015
(VBSP News) Với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, HSSV,... trong năm qua, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã “chuyển tải” kịp thời nguồn vốn chính sách đến với người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gia đình ông Ngô Hồng Hải ở thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái phát triển đàn gà hơn 1.500 con từ nguồn vốn vay NHCSXH

Gia đình ông Ngô Hồng Hải ở thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái phát triển đàn gà hơn 1.500 con từ nguồn vốn vay NHCSXH

Đưa đồng vốn đến tay người nghèo

Là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc, Yên Bái có địa hình phức tạp. Đây cũng là nơi sinh sống của 30 dân tộc, chiếm khoảng 53% dân số trong tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn ở mức cao, chiếm gần 30% dân số (khoảng 60 nghìn hộ). Vì vậy, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước hết sức cần thiết đối với phát triển kinh tế của địa phương, là “đòn bẩy” quan trọng giúp bà con có cơ hội thoát nghèo. Ý thức rõ điều đó, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là hoạt động tín dụng nhằm chuyển tải có hiệu quả nguồn vốn chính sách của Đảng, Nhà nước đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến hết năm 2014, NHCSXH tỉnh Yên Bái đã triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi cho hơn 101 nghìn khách hàng, tổng dư nợ đạt 1.720 tỷ đồng, tăng 172 tỷ đồng so với năm 2013 (tăng 11,1%). Qua đó, hơn 9.000 hộ nghèo và hơn 2.500 hộ cận nghèo… đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính sách, có đồng vốn để phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, cải thiện cuộc sống.

Câu chuyện của gia đình CCB Đỗ Anh Tiếp, sinh năm 1953, trú tại thôn 2, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả đồng vốn chính sách mang lại. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mái bằng mới xây còn thoảng mùi vôi mới, ông Tiếp chia sẻ: Gia đình ông trước đây rất nghèo, nhà có bốn người con, vợ lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống rất khó khăn, ăn bữa hôm lo bữa mai. Năm 2012, ông Tiếp được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH để mua trâu giống về nuôi, sang năm 2013 lại được vay thêm 15 triệu đồng nữa để trồng quế. Từ đó, cuộc sống của gia đình đã trở nên khấm khá. Trước đó, ông còn được vay 16 triệu đồng cho hai người con lớn đi học cao đẳng, nay hai người con của ông đều đã ra trường và có việc làm ổn định. “Vừa qua, nhờ tiền bán trâu, cộng thêm tiền các cháu gửi về, tôi đã cất được căn nhà mái bằng mới. Được đón Tết trong căn nhà mới ấm cúng, gia đình tôi vui lắm”, ông Tiếp xúc động nói. Năm 2015, gia đình ông Tiếp cùng hàng nghìn hộ khác của Yên Bái, nhờ vào nguồn vốn chính sách, đã chính thức thoát khỏi cái nghèo.

Bên cạnh đó, nhờ biết chú trọng hơn tới chất lượng của hoạt động tín dụng, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đáp ứng kịp thời vốn vay để bảo đảm nhu cầu đầu tư của hộ nghèo cho nên phần lớn các hộ được vay vốn đã có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức trong sử dụng đồng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và ý thức vay - trả. Riêng năm 2014, có gần 13 nghìn hộ nghèo trả nợ với doanh số thu nợ đạt 136 tỷ đồng, góp phần giảm mức nợ quá hạn trên toàn tỉnh xuống còn 0,2% (năm 2013, con số này là 0,8%).

Đáp ứng nhu cầu làm giàu

Cũng nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều nông dân đã không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên trở thành những “đại gia” chân chính. Sau cơn lũ lịch sử năm 2008, gia đình ông Ngô Hồng Hải, trú tại thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình mất toàn bộ ruộng đồng, nhà cửa. Không nhụt chí, ông Hải quyết tâm gây dựng lại từ hai bàn tay trắng, ông vay vốn từ NHCSXH với số tiền 30 triệu đồng để nuôi gà, lại vay tiếp 6 triệu đồng để xây dựng hệ thống nước sạch, giờ đây ông Hải đã có hẳn một cơ ngơi khang trang vào bậc nhất nhì vùng quê nghèo khó này. Ông Hải khoe với chúng tôi: “Hiện nay, ngoài đàn gà hơn 1.500 con, đàn lợn 50 con, gia đình tôi còn trồng hơn 3ha rừng keo và 150 bụi hóp… thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Khi cuộc sống sung túc hơn, càng biết ơn Đảng, Chính phủ đã hỗ trợ gia đình tôi lúc gian khó, tạo điều kiện để chúng tôi thoát cảnh đói nghèo, có được cuộc sống như hôm nay”.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái Nguyễn Thanh Hải, cho rằng: Năm 2014, Chính phủ đã đồng ý cho hạ lãi suất, nâng mức cho vay và mở rộng đối tượng cho vay một số chương trình tín dụng. Tuy nhiên, mức cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay HSSV vẫn còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu người dân và thực tế giá cả thị trường như hiện nay. Vì vậy, mong Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn vốn, nâng hạn mức cho vay, để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người dân. Qua đó, tạo động lực giúp bà con vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi cái nghèo.

Bài và ảnh Phạm Hải

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác