Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Đẩy mạnh tín dụng chính sách
“Vào thời điểm năm 2011, hoạt động tín dụng chính sách vùng ĐBSCL đã phát sinh những mặt hạn chế, yếu kém dẫn đến chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu chiếm tỷ lệ cao, gấp 2,1 lần bình quân chung toàn quốc; lãi tồn đọng lớn, chiếm hơn 1/3 lãi tồn đọng của toàn quốc; nợ không đối chiếu được còn nhiều, chiếm 2/3 toàn quốc… Bên cạnh số ít tỉnh, thành phố hoạt động khá thì đại đa số các tỉnh hoạt động yếu kém kéo dài”, Lãnh đạo một ban nghiệp vụ của NHCSXH nhớ lại.
Tốc độ tăng tín dụng ưu đãi hàng năm ở các tỉnh này cũng thấp. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân tại các tỉnh vùng ĐBSCL từ năm 2003 - 2011 là 24,9%/năm, trong khi đó tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân của toàn quốc là 33,8%/năm. Đến 31/12/2011, tổng dư nợ của tín dụng chính sách xã hội tại vùng ĐBSCL đạt 16.922 tỷ đồng, tăng so với thời điểm năm 2003 (thời điểm thành lập NHCSXH) là 14.554 tỷ đồng. Một điểm lưu ý nữa là đến thời điểm xây dựng Đề án, tổng số nợ xấu trong vùng chiếm 35% toàn quốc, tỷ lệ nợ xấu 4,2%, gấp 2,1 lần tỷ lệ nợ xấu bình quân chung toàn quốc.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách vùng ĐBSCL, theo số liệu của NHCSXH, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại 13 tỉnh trong khu vực đến 31/12/2014 là 22.384 tỷ đồng, tăng 5.462 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng Đề án, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng hàng năm 10,76% (tốc độ tăng chung toàn quốc là 7,76%).
Những tiêu chí mà Đề án đặt ra đã được NHCSXH thực hiện và đạt kết quả tích cực. Trong quá trình thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, các địa phương đều tập trung quyết liệt xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn và đây là chỉ tiêu đạt vượt so với kế hoạch đề ra. Đến ngày 31/12/2014, tổng nợ quá hạn trong vùng là 160.046 triệu đồng, giảm 474.720 triệu đồng (giảm 74,8%), chiếm tỷ lệ 0,71%/tổng dư nợ, giảm 3,4% so với thời điểm xây dựng. Bên cạnh đó, hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, là một trong những yếu tố quan trọng để tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cũng đã được củng cố.
Quyết liệt vào cuộc
Đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Hội đồng quản trị, các uỷ viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành NHCSXH Trung ương và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự quyết tâm của chi nhánh NHCSXH các tỉnh vùng ĐBSCL. Trong 3 năm thực hiện Đề án, NHCSXH đã làm tốt việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo đúng chính sách quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg cho các đối tượng vay vốn NHCSXH mỗi năm 2 kỳ, riêng năm 2014, NHCSXH đã báo cáo các Bộ, ngành thẩm định xử lý thêm một kỳ đối với số nợ xấu tồn đọng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của NHCSXH, UBND các cấp và các chủ đầu tư khác cũng đã xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan đối với nguồn vốn uỷ thác đầu tư tại NHCSXH.
Sau 3 năm, NHCSXH Trung ương đã tổ chức 39 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 1.323 lượt cán bộ NHCSXH của 13 tỉnh vùng ĐBSCL. NHCSXH cấp tỉnh, huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác tổ chức 3.226 lớp tập huấn về nghiệp vụ hoạt động ủy thác; tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; kiểm tra, giám sát quy trình bình xét cho vay, bình xét nợ rủi ro để đề nghị xử lý, quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cho 161.675 lượt cán bộ Hội cấp huyện, cấp xã, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng ấp và Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Mặc dù sau 3 năm thực hiện Đề án, chỉ tiêu nợ quá hạn đã giảm sâu hơn mục tiêu Đề án đặt ra, nhưng nếu tính cả nợ khoanh thì tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của vùng ĐBSCL còn cao (2,44%) so với mức bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH (0,89%).
Để hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng ĐBSCL phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, NHCSXH đã đặt ra một số mục tiêu trong năm 2015 và các năm tiếp theo với khu vực ĐBSCL. Đó là 100% người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH cung cấp. Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ hàng năm tại vùng ĐBSCL khoảng 9%, bao gồm nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương (cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung hàng năm).
NHCSXH đặt kế hoạch nguồn vốn địa phương mỗi năm tăng ít nhất 10% để đến năm 2020 toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bình quân mỗi tỉnh 60 tỷ đồng (tương đương với mức bình quân chung). Năm 2015, ngân hàng phấn đấu giữ bằng mức nợ quá hạn bình quân chung của vùng ĐBSCL thời điểm 31/12/2014 là 0,7% và phấn đấu các năm tiếp theo bằng bình quân chung toàn quốc.
Bài và ảnh Đức Nghiêm
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Quỳnh Phụ với nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Bình Liêu phát huy nội lực thoát nghèo
- » Tăng cơ hội vay vốn để nông dân thoát nghèo bền vững
- » Gỡ khó cho hộ nghèo làm ăn
- » Quảng Ngãi: Hơn 160 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo xây nhà tránh bão
- » Khi cán bộ tín dụng làm dân vận
- » Ngày hẹn cho vay vốn hộ nghèo
- » Nghĩa Hành xây dựng nông thôn mới
- » Cao Phong tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội