Xuân sớm trên rẻo cao Chiềng Sơn
Người ta nói “Ruồi vàng, bọ chó, gió Chiềng Sơn” để khái quát về những khó khăn, khắc nghiệt của nơi đây. Còn nhớ thời điểm cuối năm 2008, Chiềng Sơn vẫn phải đối mặt với cảnh nghèo túng, lạc hậu. Xã bao gồm 23 bản, tiểu khu đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có tới 56,8% hộ nghèo, còn nhà tạm bợ, dột nát thì nhiều vô kể.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã trăn trở tìm hướng, chọn kế làm ăn nhằm thay đổi bộ mặt quê hương. Cùng với đó, NHCSXH huyện cũng thấu hiểu những khó khăn vất vả của người nghèo và đồng bào dân tộc miền núi, đã khẩn trương tổ chức đưa nguồn vốn hỗ trợ cho họ phát triển sản xuất, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Để đồng vốn ưu đãi của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích đạt hiệu quả, NHCSXH huyện Mộc Châu và xã Chiềng Sơn đã mở Điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách; tiếp đến, các tổ chức hội, đoàn thể của xã thường xuyên rà soát, thống kê chính xác danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi; chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn thực hiện bình xét công khai, dân chủ đảm bảo đúng đối tượng; trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư sử dụng vốn có hiệu quả; đôn đốc, động viên các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn trả nợ, nộp lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng…
Khởi điểm từ năm 2003 đến mùa xuân này vừa tròn 12 năm, người dân vùng cao Chiềng Sơn rất vui bởi được tiếp thêm sức mạnh trên con đường xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tổng số 2.105 hộ dân ở 23 bản, tiểu khu đã được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Mộc Châu. Bình quân mỗi hộ gia đình được vay trên 22 triệu đồng với số tiền của toàn xã gần 18 tỷ đồng. Đồng vốn vay chủ yếu dùng để mua giống mới, vật tư, phân bón, thâm canh đồi chè, nương ngô, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Từ đây, vốn chính sách về cùng các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, tạo cơ hội cho Chiềng Sơn vươn mình. Thế mạnh nông - lâm nghiệp được phát huy. Bà con nhân dân trong xã xuống ruộng, lên rừng hăng hái sản xuất tạo nguồn thu, cảnh quan bản làng xa xôi thêm tươi mới, cái nghèo khó lùi dần, cuộc sống của đồng bào dân tộc ngày thêm khấm khá.
Vốn chính sách thực sự đã thức dậy vùng đất khó Chiềng Sơn và hiện lên nhiều gương sáng thoát nghèo, làm giàu. Đơn cử như anh Cầm Văn Luận, dân tộc Thái ở tiểu khu 10, mới ngày nào còn chật vật lo cái ăn, cái mặc nhưng từ năm 2011 thông qua Hội Nông dân xã Chiềng Sơn, anh được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để phát triển chăn nuôi. Nhờ chịu thương chịu khó và biết tính toán sử dụng vốn vay hợp lý đã tạo đà cho anh làm nên một cơ ngơi bao gồm 3 con trâu béo mộng, 1ha chè sạch, ngô lai, 100 con gà… mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.
Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Hội cũng vui mừng khôn xiết khi việc học hành của con cái chị có sự đồng hành của NHCSXH. Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, vì hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều lúc chị đã nghĩ đến việc cho con nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Thật may mắn, từ chương trình tín dụng HSSV, gia đình chị đã được vay 60 triệu đồng cho 2 con là Nguyễn Thanh Hải học Đại học Bách Khoa Hà Nội và Nguyễn Thị Hà học Đại học Tây Bắc. Không giấu nổi niềm vui, chị tâm sự: “Hai con đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định, gia đình vừa tích cóp, vừa đầu tư sản xuất, chăn nuôi, vừa rồi tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi, tôi thực chẳng biết xoay xở thế nào”.
Tiêu biểu nhất là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản Lòng Hồ, Lường Văn Tôn. Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do anh Tôn làm Tổ trưởng có 39 hộ nghèo và gia đình đồng bào Thái, Khơ Mú tham gia sinh hoạt đều đặn, với dư nợ gần 1 tỷ đồng. Nguồn vốn đó đã giúp cho 12 hộ thoát nghèo bền vững và 27 hộ có thu nhập từ ruộng đồng, chuồng trại từ 50 - 60 triệu đồng/năm/hộ. Bản thân gia đình anh Tôn nhờ 20 triệu đồng vay của NHCSXH đã dẫn được nước nguồn, khai hoang mở đất, áp dụng KHKT đạt năng suất cao, cùng 3.000m2 chè tuyết san thu lãi 16 triệu đồng/vụ.
Nguồn vốn chính sách đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt vùng cao Chiềng Sơn. Nơi đây đang đón mùa xuân sớm. Để thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới sung túc, yên vui, cần lắm sự góp sức của những người làm tín dụng chính sách đầy tâm huyết.
Bài và ảnh Trần Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ đồng vốn ưu đãi
- » Tiếp sức cho người nghèo
- » Mang niềm vui đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Nguồn vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Lào Cai
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
- » Tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Quỳnh Phụ với nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Bình Liêu phát huy nội lực thoát nghèo
- » Tăng cơ hội vay vốn để nông dân thoát nghèo bền vững