Hiệu quả từ đồng vốn ưu đãi

22/01/2015
(VBSP News) Bên lề Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ ngày 20/1/2015, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Võ Minh Hiệp (ảnh) đã trao đổi với báo chí về mức cho vay và sử dụng đồng vốn vay từ tín dụng chính sách.

Untitled-1

Phóng viên: Thưa ông, mức cho vay đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo được nâng từ mức 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng đã phù hợp thực tế?

Trả lời: Mức cho vay tối đa với hộ nghèo và hộ cận nghèo đã được Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/5/2014. Theo đó, mức cho vay tối đa đã được nâng lên từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ.

Chúng tôi thấy rằng, bà con rất hồ hởi khi được đón nhận chính sách này. Ngay cả chúng tôi - những cán bộ làm tín dụng chính sách ưu đãi cho bà con cũng rất phấn khởi. Tuy nhiên, nói mức cho vay tối đa như vậy đã đủ cho bà con sản xuất kinh doanh hiệu quả và thoát nghèo chưa cũng khó có thể khẳng định được. Vì qua công tác cho vay, chúng tôi thấy tùy theo phương án kinh doanh và nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh cái gì và tính hiệu quả của dự án.

Có những trường hợp, người vay có phương án sản xuất rất đơn giản, chỉ cần 5 - 10 triệu đồng thôi, nhưng làm ăn rất tốt. Còn với hộ gia đình sản xuất lớn, cần vốn ở mức cao hơn thì chúng tôi sẽ tập trung cho vay mức cao hơn, nhưng không quá 50 triệu đồng.

Phóng viên: Nhưng ngoài chuyện hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách, các hộ nghèo còn cần tư vấn về sinh kế để giúp họ thoát nghèo bền vững?

Trả lời: Đúng vậy, đối với tín dụng chính sách, muốn mang lại hiệu quả thì ngoài việc tập trung đáp ứng nhu cầu về vốn còn cần sự phối hợp, lồng ghép, hướng dẫn cách làm ăn cho người dân, để họ sử dụng vốn hiệu quả. Khi các hộ vay vốn sử dụng vốn hiệu quả, có thu nhập thì họ có điều kiện hoàn trả vốn để ngân hàng tiếp tục cho vay, chăm lo cho các đối tượng khác.

Tín dụng ưu đãi giúp bà con trong vùng vươn lên thoát nghèo bền vững

Tín dụng ưu đãi giúp bà con trong vùng vươn lên thoát nghèo bền vững

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, cho vay hộ nghèo hiện phổ biến là dưới 12 tháng thì sao đủ thời gian để người dân thoát nghèo, thưa ông?

Trả lời: Điều này có phần chưa hiểu đúng. Chúng tôi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đến khi họ thoát nghèo. Hơn nữa, thời hạn cho vay do bên cho vay và hộ vay thoả thuận căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh,  và khả năng trả nợ của hộ vay. Cho đến nay, dư nợ trung hạn của NHCSXH chiếm trên 98%, nghĩa là có trên 98% hộ vay có thời hạn trên 12 tháng. Do đó, không thể nói phổ biến là cho vay dưới 12 tháng.

 Phóng viên: Vậy đâu là khó khăn nhất khi triển khai chính sách tín dụng cho người nghèo và phương án để tháo gỡ?

Trả lời: Cái khó khăn nhất, theo tôi nghĩ, là các chương trình lồng ghép của các ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ bà con, giúp cho họ có phương án phù hợp nhất với từng gia đình, từng khu vực. Sau 12 năm hoạt động của NHCSXH, chúng tôi thấy đây là điểm yếu. Chính vì vậy, với vùng Tây Nam bộ, trong suốt 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành và địa phương, thì điều này đã được cải thiện.

Chúng tôi hy vọng, sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách thì trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ quan tâm nhiều hơn và tín dụng chính sách sẽ được phát huy hiệu quả hơn nữa.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Phương Huyền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác